Ngày 29/3, Tập đoàn Hòa Phát đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 70.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm 2018. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận lại giảm 22%, xuống 6.700 tỷ đồng. Nếu đạt kết quả đúng như kế hoạch, đây sẽ là lần đầu tiên trong 7 năm, lợi nhuận Hòa Phát sụt giảm.
Hòa Phát thống nhất phương án chia cổ tức năm 2018 là 30% bằng cổ phiếu nhưng sang năm 2019 cổ tức sẽ giảm xuống chỉ còn 20%.
Tại đại hội, vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm nhất là tại sao lợi nhuận Hòa Phát năm nay lại giảm mạnh cho dù doanh thu vẫn tăng.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ, có nhiều nguyên nhân khiến lợi nhuận Hòa Phát năm nay chỉ dừng ở mức 6.700 tỷ đồng. Trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là giá quặng sắt tăng cao sau thảm họa vỡ đập hồ chứa chất thải khoáng sản tại Brazil. Vụ vỡ đập này đã khiến Tập đoàn khai thác mỏ Vale đã bị tước giấy phép khiến nguồn cung quặng sắt bị ảnh hưởng và giá tăng vọt.
Trong năm 2018, giá quặng sắt dao động trong khoảng 65USD/tấn thì sang năm 2019 đã tăng vọt lên khoảng 85 USD/tấn, thậm chí có thời điểm lên tới 90 USD/tấn, tương ứng với mức tăng khoảng 30-35%. Giá tăng khiến chi phí đầu vào của thép tăng cao bởi để làm ra 1 tấn thép, Hòa Phát cần 1,6 tấn quặng sắt, tương ứng chi phí đầu vào đội thêm khoảng 800.000 đồng/tấn thép.
Bên cạnh giá quặng sắt tăng, các loại chi phí của Hòa Phát được dự báo cũng sẽ tăng. Đáng chú ý, chi phí tài chính từ mức hơn 700 tỷ đồng năm 2018 sẽ tăng gấp 3 lần, lên hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2019. Trước đây, khi dự án Dung Quất trong thời gian xây dựng, chi phí lãi vay được hạch toán vào vốn hóa. Tuy nhiên, kể từ tháng 6 tới đây, khi dự án Dung Quất chính thức đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ phải tính lãi vay vào chi phí tài chính. Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết, dự án Dung Quất có tổng vốn đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồn, trong đó vốn tự có khoảng 25.000 tỷ đồng. Số còn lại sẽ phải đi vay và lãi suất hiện nay đang dao động trong khoảng 7,5-9%.
Bên cạnh chi phí tài chính, chi phí sản xuất năm nay được dự đoán cũng sẽ tăng sau khi giá điện vừa bất ngờ tăng 8% còn các loại chi phí khác cũng sẽ tăng theo tỷ lệ lạm phát.
Bên cạnh ngành kinh doanh chủ lực là thép gặp khó khăn về chi phí, Hòa Phát còn đối mặt với khó khăn tại 2 mảng tôn mạ và chăn nuôi.
Đối với tôn mạ, nhà máy đi vào hoạt động trong giai đoạn khó khăn, tổng công suất thị trường gấp đôi so với nhu cầu. Bên cạnh đó, các nước cũng dựng hàng rào với sản phẩm này khiến lợi nhuận tôn mạ năm 2018 chỉ đạt 17 tỷ đồng trên tổng số doanh thu 2.700 tỷ đồng. Năm 2019, mảng tôn mạ đặt mục tiêu doanh thu 4.400 tỷ đồng và lãi 178 tỷ đồng.
Đối với chăn nuôi, ông Long dùng từ "thảm cảnh" khi nhắc đến dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại Việt Nam. Cho dù các trang trại chăn nuôi lợn của Hòa Phát không bị nhiễm dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh này khiến người tiêu dùng giảm tiêu thụ thịt lợn, khiến giá lợn hơi giảm sâu mà vẫn khó bán. Theo ông Long, nếu tình trạng này kéo dài, mảng chăn nuôi lợn khả năng sẽ thua lỗ.