SẢN VẬT HẬU GIANG
Khóm (thơm, dứa) Cầu Đúc
Theo lời kể của bà con nông dân ở địa phương thì khóm xuất hiện trên mảnh đất Hậu Giang vào khoảng năm 1930, người dân Hỏa Tiến thấy giống tốt bất đầu nhân giống ra trồng cặp bờ sông Cái Lớn. Từ đó cây khóm bám rễ và trụ vững cho đến ngày nay.
Lúc đó, ở địa phương có cây cầu đúc bằng xi măng bắc ngang sông Cái Lớn tại xã Hỏa Tiến, bà con mang khóm ra đó để bán. Thương lái từ khắp nơi đến tập kết tại Cầu Đúc để mua khóm và tên “khóm Cầu Đúc” được hình thành.
Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen, nguồn gốc Thái Lan. Khóm Cầu Đúc của Hậu Giang thuộc tiểu nhóm "Queen cổ điển", quả dạng hình thang, cuống ngắn, lõi nhỏ. mắt lồi, hố mắt hơi sâu, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ăn giòn, ngọt.
Năng suất trung bình 20 tấn/ha, trọng lượng 1,2 - 1,5kg/quả. Điều đặc biệt nhất là khi xuất sang những vùng khác là khóm Cầu Đúc có thể để được từ 12-15 ngày mà không có hiện tượng hư hỏng.
Nhiều nông dân tại đây khẳng định: giống khóm Cầu Đúc đem trồng ở địa phương khác cũng đất phèn nhiễm mặn thì phẩm chất quả giảm hẳn như nhiều xơ, lõi to, không giữ được màu vàng đậm, vị ngọt dịu.
Diện tích hiện nay còn 1.500ha. Khóm Cầu Đúc thích hợp làm nguyên liệu chế biến nước dứa ép, dứa sấy khô không tẩm đường, kẹo, mứt, rượu, nước giải khát có ga,... Lá dứa làm sợi, bột giấy.
Bưởi Năm Roi Phú Hữu
Bưởi Năm Roi Phú Hữu (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành) rất khác với bưởi Năm Roi dây được trồng nhiều ở Phong Hoà, Bình Minh (Vĩnh Long).
Bưởi Năm Roi có hình quả lê, vỏ từ xanh tới vàng, sọ to vừa phải, tép thường có màu vàng óng, ráo, không hạt. Khi ăn có vị chua ngọt dịu nhẹ, không có vị đắng, the. Mỗi quả bưởi Năm Roi thường có trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg, những quả lớn có thể lên tới 3 - 4kg.
Ăn bưởi Năm Roi Phú Hữu phải chấm với muối tiêu sọ hoặc muối ớt cay thì du khách mới cảm nhận hết được hương vị thơm ngon của loại quả cây nổi tiếng này.
Hiện nay sản lượng bưởi cả xã đạt trên 84.000 tấn/năm (bình quân hơn 200 quả/cây/năm). Ưu điểm của bưởi Năm Roi Phù Hữu là trồng tập trung, dễ đầu tư kỹ thuật tạo nguồn quả chất lượng cao cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa.
Ngày nay, để gia tăng thêm gia trị cho quả bưởi Năm Roi, những người nông dân ở Phú Hữu còn tạo hình cho quả bưởi thành hồ lô bán trong dịp Tết Nguyên đán với giá khoảng 1-2 triệu/cặp bưởi.
Cá thát lát Hậu Giang
Cá thát lát là một trong những nông sản chủ lực nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, cá có thân hình dài, dẹp hai bên, càng mỏng về phía bụng và có màu trắng xám. Loại cá này có ít xương, thịt dai ngon, được chế biến thành nhiều món ăn ngon, trong đó chả cá thát lát là món ăn nổi tiếng được chế biến từ loại cá này.
Chả cá thát lát Hậu Giang có tiếng hơn các vùng khác là bởi thịt cá vừa ngọt vừa dẻo vừa thơm. Miếng chả cá tươi đã được nặn thành từng bánh nhỏ, mang về chỉ cần bỏ vào chảo dầu nóng chiên vàng, sốt cà hoặc nấu canh, tùy sở thích mà chọn cách chế biến phù hợp. Nếu chiên sốt thì mùi cá thơm lan tỏa hấp dẫn, nếu nấu canh thì vị nước dùng ngọt thanh.
Hiện nay sản lượng cá thát lát khai khác trong toàn tỉnh Hậu Giang khoảng 360 tấn/năm. Hậu Giang có hơn 54.000 ha mặt nước có thể nuôi thuỷ sản nước ngọt.
Nấm mối
Theo một số cư dân miệt Mái Dầm (Phú Hữu, Châu Thành, Hậu Giang), nấm mối chỉ xuất hiện ở đây đúng vào sáng sớm mùng 5 tháng 5 âm lịch, rồi tàn ngay khi mặt trời vừa rạng. Vì là của hiếm nên mọi nhà phải thức thật sớm để tranh thủ hái những tai nấm mọc đầy các gốc cây, gốc tre còn man mát sương đêm.
Nấm mối không phải chỉ xuất hiện vào ngày Tết, mà có mặt ở nhiều địa phương khác sau nhiều ngày trời đổ những cơn mưa đầu mùa. Tiết trời mát dịu, nước mưa thấm vào đất, tạo nóng ẩm khiến từ các bụi tre, các ổ mối, các vườn dừa, nơi có rễ cây mục nhú lên những tai nấm có màu trắng hồng, cao chừng 2 cm.
Đọt choại Hậu Giang
Hậu Giang chính là xứ sở của rau đọt choại - loài dây leo thuộc họ dương xỉ có nhiều chất sắt mà nhiều người tìm kiếm.
Để thưởng thức đặc sản Hậu Giang dân dã, người ta sẽ vào các khu vực rừng hay ven sông để chọn những đọt non của dây choại để hái. Phần đọt khá mảnh, đầu uốn cong nhìn rất giống dương xỉ. Hái vào mùa mưa thì đọt non hơn, không có vị chát như mùa nắng. Dùng rau này ăn sống, luộc, nấu canh hay xào đều rất ngon.
Thông thường, người dân Hậu Giang thích rửa sạch ăn sống để cảm nhận vị giòn giòn, hơi chát của đọt non, sau đó mới là luộc chín để chấm nước tương chấm chao. Nấu canh chua với cá rô hay xào thịt cũng rất đặc biệt, giúp món ăn tăng thêm hương vị.