SẢN VẬT ĐỒNG NAI
Mít tố nữ Long Thành
Trên đất nước Việt Nam, mít có nhiều chủng loại như: mít dai nhỏ xơ, dài múi, dài hạt, ruột mít chín vàng trong như đường phèn; mít mật sợi to, tròn hạt, múi ngắn, nhão nát nhưng ngọt lịm; mít khoai múi vàng nhạt, nhai giòn như khoai sống, vị ngọt thoảng thốt và mít nào cũng đều thơm ngon cả.
Nhưng mít ngon nhất phải nhắc tới là mít tố nữ ở Long Thành (Đồng Nai). Tương truyền xa xưa, có nàng Tố Nữ đem lòng yêu chàng trai nghèo tên gọi Tố Nam nhưng tình yêu của họ bị chia lìa đôi ngả. Vì quá đau buồn nàng Tố Nữ qua đời và nơi nàng trinh nữ nằm xuống mọc lên một loại trái cây lạ, quả có vị rất thơm ngon, ngọt khác thường, dân làng đem nhân giống và đặt tên là mít tố nữ.
Mít tố nữ quả thon đẹp, nhỏ, gai nhỏ mềm, mịn xanh. Múi giòn tan, xơ mít nhỏ như tăm, hạt nhỏ như hạt nhãn. Mít tố nữ ăn không cần bổ, người ăn bấm quanh núm, nắm chặt cuống và xoay vặn vỏ rồi kéo tuột ra. Vỏ và xơ ở lại, chỉ còn múi mít đeo quanh cùi như chùm nhãn.
Mít tố nữ ở Long Thành thường được thu hoạch khi gai mít nở, lá yếm chuyển sang thành màu vàng. Một trái mít tố nữ lột vỏ bày lên đĩa con, vừa gọn vừa xinh đặt lên bàn thờ khá đẹp. Mít tố nữ thơm ngon một cách đặc biệt mà hiếm mít nơi nào có được.
Mận (roi) An Phước
Giống mận An Phước hay còn gọi là mận đỏ đã có mặt trên thị trường từ mấy năm nay tại nhiều tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long nhưng có lẽ tất cả đều được lấy giống từ xã An Phước, huyện Long Thành. Mận thuộc giống Thongsamsri, có nguồn gốc từ Thái Lan.
Mận An Phước thuần giống có dạng hình trái oản dài, trái to, màu vỏ tím đỏ sọc trắng mờ. Thịt trái giòn, ngọt, không hạt. Quả mận trông nhật nhỏ bé nhưng chứa cực nhiều chất xơ. Việc ăn mận thường xuyên sẽ giúp đảm bảo hệ tiêu hóa ổn định, không bị táo bón, loại bỏ chất thải hiệu quả và ngăn ngừa được các bệnh về đường ruột.
Với các đặc điểm trên cộng với sản lượng không lớn trên thị trường, mận An Phước được bán với giá rất cao.
Bưởi Tân Triều
Cách trung tâm TP HCM khoảng 40 km về phía Đông Bắc, làng bưởi Tân Triều ở huyện Vĩnh Cửu vốn có tiếng từ lâu. Bưởi Tân Triều phong phú nhiều chủng loại, tất cả đều có hương vị đặc trưng như: bưởi đường núm có múi vàng tép to vị ngọt lịm, dáng đẹp nên thường được chọn để bày trong 3 ngày Tết. Bưởi đường cam, bưởi thanh quả to, bưởi ổi quả nhỏ... Ngoài ra còn hơn 20 loại khác nhau như bưởi xiêm, bưởi chua, bưởi bà Vân, bưởi hè, bưởi long,...
Về nguồn gốc bưởi Tân Triều, có tài liệu cho rằng, vào năm 1869, nhà thờ Tân Triều được xây dựng, cha xứ đã mang 2 cây bưởi ổi từ Brazil về trồng trước sân. Hằng năm, cây bưởi cho trái trĩu cành.
Thấy vậy, bà con xin chiết nhánh về trồng và nhân rộng khắp vùng. Dần dần, một thế kỷ trôi qua cây bưởi có mặt khắp vùng quê và trở thành sản vật của Đồng Nai. Mùa bưởi ở đây bắt đầu từ tháng 10 và rộ lên vào tháng 11, tháng Chạp âm lịch hằng năm.
Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, người dân quanh vùng đều cố mua cho được cặp bưởi Tân Triều để thờ cúng tổ tiên. Bưởi tân Triều trái to, tròn đều, màu vàng sáng đẹp, vỏ bưởi có mùi thơm nhẹ, múi bưởi không bị lép, tép to đều, ăn ngon miệng. Cùng với bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), bưởi Tân Triều đã chiếm lĩnh thị trường TP HCM và bước đầu xuất khẩu sang một số nước.
Rượu đế Bến Gỗ
Không biết từ bao giờ rượu đế Bến Gỗ ( nay thuộc xã An Hoà, huyện Long Thành) đã vang tiếng khắp miền Nam.
Trong cuốn "Biên Hoà - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển" thì cho rằng: "Thức uống có men phải nói đến rượu đế. Cùng với rượu Gò Đen (Long An), Hoà Long (Bà Rịa), rượu gạo Bến Gỗ (Long Thành) cũng nổi tiếng xứ Đồng Nai.
Rượu đế chưng cất từ gạo nếp kết tinh chất bổ dưỡng từ bột nên dùng đúng liều lượng rất dễ tiêu hoá. Rượu đế còn dùng để ngâm thuốc gồm nhiều loại động, thực vật để tăng lực hoặc chữa bệnh".
Rượu Bến Gỗ nấu bằng nếp thơm và pha men ngọt nên rượu có vị thơm, đượm nồng. Theo những người lành nghề, nấu rượu ngon phải canh thời tiết mới kháp rượu, nên rượu ra ngon không chê vào đâu được.
Để giữ được nghề, các lò rượu phải tuyệt đối tuân thủ các quy trình chế biến rượu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu như gạo và men ủ rượu phải được bảo đảm không sử dụng hóa chất. Để rượu có độ trong và thơm ngon, sau khi nấu phải qua khâu lọc và được chứa trong lu bằng đất, có như vậy mới giữ được hương vị ngọt thơm riêng của rượu Bến Gỗ.
Đã vậy, người xưa uống rượu đế Bến Gỗ thường dùng bình nhạo cổ cao để đựng rượu và khi rót ra ly phải bắt buộc có bọt. Và khi uống rượu đế người ta uống là để thưởng thức hương vị, ngồi ngâm nhi bàn chuyện xóm làng.