Khám phá bí ẩn về ngọc cổ Trung Hoa

Thành Trung

Người Trung Quốc xem ngọc như một “vật thiêng”, quý giá bậc nhất. Ngọc tượng trưng cho quyền lực, địa vị tối cao. Ngọc hội đủ 5 đức tính cơ bản của con người gồm: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Độ bóng, mịn lâu dài của ngọc tượng trưng cho nhân nghĩa và sự kín đáo của người quân tử. Độ cứng và trong suốt của ngọc tượng trưng cho phẩm cách trong sáng, cao thượng.

Viên ngọc đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa

Khoảng 300 năm trước công nguyên, ở nước Sở, vào thời Lệ Vương, có Biện Hòa là một thường dân may mắn tìm được một hòn đá tảng. Đoán chắc bên trong là loại ngọc cực quý nên ông đi hiến cho vua để tỏ dạ trung thành.

Lệ Vương nhìn thấy hòn đá thô thiển, có ý xem thường, bèn bảo viên thái giám đập ra mài thử xem thật giả. Tên thái giám này sợ Biện Hòa có công dâng ngọc sẽ được sủng ái hơn mình nên bảo là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt mất một chân.

Ít lâu sau, Lệ Vương băng hà, Vũ Vương kế vị. Biện Hòa lại xin vào dâng ngọc, viên quan được vua sai thử ngọc có tư thù với ông nên lại tâu là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt nốt chân kia.

Biện Hòa dâng ngọc quý lên Sở Lệ Vương nhưng rốt cuộc lại hàm oan và bị chặt cả hai chân.
Biện Hòa dâng ngọc quý lên Sở Lệ Vương nhưng rốt cuộc lại hàm oan và bị chặt cả hai chân.

Quá uất hận, Biện Hòa ôm tảng đá, lao đầu vào tường toan tự tử, Vũ Vương ngăn lại, cho người đập vỡ tảng đá, đích thân xem xét phiến ngọc và nhận ra nó cực kỳ quý giá.

Nhà vua hối hận nhưng đã muộn, vì Biện Hòa đã tàn phế, máu của ông đã loang đỏ khắp sân. Bên trong phiến ngọc có những tia vân như những tia máu của Biện Hòa, nên viên ngọc quý này được gọi là “Biện Hòa bích ngọc” hay “Hoà thị bích” và được coi là quốc bảo của nước Sở. 

Ngọc cổ ẩn chứa công năng huyền bí

Câu chuyện về ngọc có tác dụng trong điều trị bệnh được danh y Lý Thời Trân nhắc đến trong cuốn “Bản thảo cương mục”…

Ngọc gối ở đầu, giúp cho đầu óc được minh mẫn, thanh tỉnh, và đặc biệt giúp chủ nhân có một giấc ngủ ngon. Do đó xưa kia các bậc đế vương hoàng tộc thường dùng các khối ngọc quý (phổ biến nhất là mã não) để chế tác thành gối, hoặc làm mũ đội… Hầu như các vị vua có tuổi thọ cao, đều dùng ngọc làm gối ngủ để giữ cho họ có một giấc ngủ sâu và trí nhớ minh mẫn.

Ngoài ra, trong tập tục chôn cất các bậc vương, quân, những đại quan có chức sắc lớn, người ta thường chôn kèm theo những viên ngọc. Sau này giới khai quật mộ cổ vô cùng ngạc nhiên khi trong một số ngôi mộ, thân xác của người chết được giữ nguyên vẹn, mặc dù họ không thực hiện bất kỳ một chất ướp xác nào. 

Ngọc còn là vật dụng quan trọng dùng để trấn yểm, tế thế đất trời. Trong sách Chu Lễ có viết: “Lấy khối ngọc chế tác thành 6 loại, rồi dùng tế trời đất và tứ phương, được gọi là “lục khí”. Dùng Bích tế trời, dùng Tông tế đất, lấy Thanh Khuê để tế phương Đông, lấy Xích Chương để tế lễ phương Nam, lấy Bạch Hổ để tế phương Tây, lấy Huyền Hoàng để tế phương Bắc”.

Hơn 2.000 năm trước, nhà Tây Chu đã bước đầu hoàn thiện và phát triển chế độ dùng ngọc trong các tầng lớp quan lại, quý tộc. Người thời đó đã cho rằng, ngọc là vật quý, hội đủ 5 đức tính cơ bản của con người gồm: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín nên ngọc rất được tôn sùng.

Độ bóng, mịn lâu dài của ngọc tượng trưng cho nhân nghĩa và sự kín đáo của người quân tử. Độ cứng và trong suốt của ngọc tượng trưng cho phẩm cách trong sáng, cao thượng.

Tầng lớp quý tộc đều đeo ngọc trên người để thể hiện đạo đức và địa vị của mình. Việc sử dụng ngọc cũng dần thể hiện đẳng cấp khác nhau.