Chuyển đổi đất trồng lúa sang đất sản xuất nông nghiệp khác
Thông tin tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quy định tại Chương III (Xây dựng và phát triển Thủ đô) dự thảo Luật, cụ thể tại các Điều: 30, 34. Ngoài ra, dự thảo Luật còn một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Cụ thể, về quản lý, sử dụng đất đai, Điều 30 dự thảo Luật quy định theo hướng HĐND chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, đất trồng lúa, đất xen kẹt sang các loại đất phi nông nghiệp phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định và không bị giới hạn về hạn mức.
Bên cạnh đó, theo dự thảo Luật, UBND Thành phố được ban hành: Quyết định chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại đất sản xuất nông nghiệp khác để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; quy định tỷ lệ xây dựng tối đa không quá 10% đất nông nghiệp để xây dựng công trình bán kiên cố công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sơ chế, sân phơi, kho, gian hàng giới thiệu sản phẩm, xử lý môi trường, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, các công trình phụ trợ khác…
Về phát triển nông nghiệp, nông thôn, Điều 34 dự thảo Luật quy định HĐND Thành phố quy định các biện pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn cao hơn và ngoài các chính sách Trung ương ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ cơ chế để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đặc thù của Thủ đô.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng dự luật cần bám sát khái niệm “đất trồng lúa” của dự thảo Luật Đất đai mới; việc chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp áp dụng với diện tích dưới 500 ha là phù hợp. Về quy định tỷ lệ xây dựng tối đa không quá 10% đất nông nghiệp để xây dựng công trình bán kiên cố, đồng chí đề nghị cần quy định theo hướng quy hoạch cho vùng chứ không cho theo từng hộ dân để hạn chế rủi ro về ô nhiễm môi trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, để đảm bảo phát triển bền vững, dự thảo Luật cần quy định đến từng chủ thể, mức tối thiểu, tối đa để dễ quản lý sau này và phải nằm trong vùng quy hoạch của địa phương. Về biện pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng chí cho rằng cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp theo hướng bền vững và không đánh mất cơ hội tạo ra sản phẩm có giá trị cao; qua đó Hà Nội sẽ giảm dần các sản phẩm chăn nuôi trực tiếp, thay vào đó là làm giống công nghệ cao.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống lũ
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn ý thức rất cao về việc góp ý xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo Thứ trưởng, các chính sách, quy định liên quan tới nông nghiệp, nông thôn trong dự luật cần mạnh mẽ, cụ thể, rõ ràng hơn; đồng thời đề nghị nghiên cứu thêm việc hỗ trợ nguồn kinh phí cho các đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội trong thực hiện các hoạt động về nông nghiệp, nông thôn phục vụ Hà Nội.
Đồng thời, Thứ trưởng đề xuất tại Điều 26 của dự thảo Luật, cần thiết kế thêm một khoản riêng về ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp nên tiếp cận theo hướng có mức độ cao hơn, quy trình đơn giản hơn; xác định một số lĩnh vực, mục tiêu để Hà Nội tập trung ưu tiên như: trung tâm về khoa học công nghệ nông nghiệp, trung tâm chuyển giao và ứng dụng, trung tâm về giống, là điển hình của kinh tế tập thể, logistic…
Về việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại đất sản xuất nông nghiệp khác, Thứ trưởng nhấn mạnh diện tích đất trồng lúa của Hà Nội lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng với hơn 90 nghìn ha, lớn hơn cả của Thái Bình, cùng với nhiều đặc thù khác nên việc chuyển đổi chưa thể chuyển ngay, chuyển nhanh, chuyển hết sang diện tích đất khác mà cần tiếp tục tham khảo kinh nghiệm để áp dụng phù hợp.
Đối với việc khai thác, phát huy giá trị hai bên bờ sông Hồng, đây là vấn đề lớn, cần thiết kế 1 Điều khoản riêng trên tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc chống lũ cho cả hệ thống đê điều sông Hồng.
Đánh giá cao các ý kiến góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý một số nội dung của dự thảo Luật. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tiềm năng để khai thác, phát huy giá trị hai bên bờ sông Hồng của Hà Nội là rất lớn, tuy nhiên, tiềm năng này đến nay chưa thực sự được khai thác.
Dự thảo Luật hiện nay cũng chưa có những quy định đột phá vì vướng về quy hoạch đê điều, quy định về quy hoạch phòng, chống lũ. Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục nghiên cứu, góp ý, kiến nghị để Ban soạn thảo giải quyết được vấn đề này cũng như các chính sách liên quan đến nông nghiệp.