Ngày pháp luật

Kế nhiệm doanh nghiệp gia đình trong khủng hoảng đại dịch

Theo TheLeader

Đại dịch Covid-19 có thể xem như một hồi chuông thức tỉnh cho doanh nghiệp gia đình về tính cấp thiết trong việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện và kích hoạt kế hoạch kế nhiệm.

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn ở một góc khác, Covid-19 đã tạo ra một khoảng lặng để các doanh nghiệp gia đình dành thời gian nghiên cứu và tìm ra các vấn đề nội tại, mang đến cơ hội để các thế hệ kế nhiệm tiếp cận hoạt động kinh doanh sớm hơn khi phải quay trở về nước trước tình hình dịch bệnh ở nước ngoài. 

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ doanh nghiệp tư nhân của Deloitte Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 chính là thời điểm tốt để doanh nghiệp gia đình rà soát, đẩy nhanh, thậm chí là kích hoạt kế hoạch kế nhiệm.

Ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam với kế hoạch kế nhiệm hiện nay?

Ông Bùi Tuấn Minh: Kế hoạch kế nhiệm không phải một khái niệm mới. Đây là vấn đề được hầu hết doanh nghiệp gia đình quan tâm. 

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng và đầu tư thích đáng với tầm quan trọng của kế hoạch kế nhiệm, từ việc không lên kế hoạch đến sự thờ ơ trong quá trình triển khai một cách toàn diện và bài bản ngay cả trong thời kỳ bình thường.

Xét về điểm cộng, một số doanh nghiệp đã cân nhắc và thực hiện đào tạo cho thế hệ lãnh đạo kế nhiệm. Nhiều lãnh đạo thế hệ kế cận trong các doanh nghiệp gia đình lớn ở Việt Nam cũng phải trải qua khoảng thời gian dài làm việc tại nhiều vị trí trong chính doanh nghiệp họ trước khi được nhận chuyển giao.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ Doanh nghiệp tư nhân của Deloitte Việt Nam
Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ Doanh nghiệp tư nhân của Deloitte Việt Nam

Ngày nay, thế hệ kế cận được đầu tư hơn khi các thế hệ con, cháu được theo học tại những trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, liên tục được tiếp cận kiến thức về kinh doanh và xã hội. 

Bên cạnh đó, thế hệ kế cận cũng có nhiều kinh nghiệm làm việc trong môi trường doanh nghiệp lớn bên ngoài trước khi quay về làm việc tại doanh nghiệp gia đình.

Tuy nhiên, điểm trừ là các doanh nghiệp gia đình thường chậm trễ trong việc soạn thảo các kế hoạch chuyển giao do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, người chủ sở hữu thường chưa chú trọng đầy đủ đến bài toán chuyển giao thế hệ, chưa đủ tin tưởng vào thế hệ kế thừa, chưa sẵn sàng chuyển giao, hoặc đơn giản là quá bận rộn.

Hệ quả là nhiều doanh nghiệp gia đình lâm vào tình trạng rối ren trong những cuộc chuyển giao, thậm chí dẫn đến tình trạng gián đoạn trong hoạt động kinh doanh, bất hòa trong quan hệ gia đình do năng lực của thế hệ kế cận chưa đảm bảo dẫn tới mất quyền kiểm soát doanh nghiệp hoặc có tranh chấp về tài sản, quản lý và pháp lý.

Đại dịch Covid-19 khiến công việc kinh doanh, học tập ở nước ngoài rơi vào trạng thái “đóng băng”, nhiều thế hệ kế cận phải về nước đã tác động như thế nào đến kế hoạch kế nhiệm của các doanh nghiệp gia đình, thưa ông?

Ông Bùi Tuấn Minh: Xây dựng kế hoạch kế nhiệm là quá trình dài hơi, cần doanh nghiệp đầu tư một cách bài bản và rà soát liên tục. Đây không phải vấn đề doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp gia đình có thể giải quyết trong một thời gian ngắn.

Tuổi đời trung bình của các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam khoảng 25 – 30 năm, do vậy những thế hệ lập nghiệp giờ đây đã bắt đầu bước sang độ tuổi trung bình 60 – 65 tuổi. Vì vậy, hơn lúc nào hết, việc lên kế hoạch chuyển giao thế hệ cần bắt đầu càng sớm càng tốt.

Đại dịch Covid-19 có thể xem như một hồi chuông thức tỉnh cho doanh nghiệp gia đình về tính cấp thiết trong việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện và kích hoạt kế hoạch kế nhiệm cần cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn bình thường, sẽ đảm bảo doanh nghiệp ứng phó tốt với các tình huống bất ngờ, khó dự đoán trong tương lai.

Không thể phủ nhận đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Nhưng mặt khác, Covid-19 đã tạo ra một khoảng lặng để các doanh nghiệp gia đình dành thời gian nghiên cứu và tìm ra các vấn đề nội tại, và mang đến cơ hội để các thế hệ kế nhiệm tiếp cận hoạt động kinh doanh sớm hơn khi phải quay trở về nước trước tình hình dịch bệnh ở nước ngoài. 

Một trạng thái bình thường mới đã và đang tạo nên nhiều thay đổi tới mọi mặt kinh tế - xã hội, khiến các doanh nghiệp gia đình càng phải tập trung hoàn thiện kế hoạch hoạt động liên tục (Business Continuity Plan).

Theo ông, vấn đề nào có thể cản trở, làm chậm quá trình thực hiện, triển khai kế hoạch kế nhiệm của các doanh nghiệp gia đình?

Ông Bùi Tuấn Minh: Kế hoạch kế nhiệm là một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp gia đình. Việc xác định quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền thừa kế trong tương lai của doanh nghiệp gia đình là vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất chính là việc dung hòa sự khác biệt trong hệ tư tưởng giữa thế hệ chuyển giao và thế hệ nhận chuyển giao, trên các phương diện: trọng tâm chiến lược và cách sử dụng người tài.

Kế hoạch kế nhiệm là một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp gia đình.
Kế hoạch kế nhiệm là một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp gia đình.

Thế hệ đầu tiên (F1) chính là những người xây dựng hệ thống và phương pháp quản trị hiện nay của doanh nghiệp, sử dụng nhân sự thân cận “có thể tin được”, có xu hướng tập trung vào những hoạt động tạo ra doanh thu ngay lập tức như phát triển sản phẩm, bán hàng, mở rộng mạng lưới/thị trường. 

Trong khi đó, thế hệ kế cận (F2), sau thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài có nhiều khát vọng và ý tưởng kinh doanh mới, thường mong muốn tiếp cận theo hướng cải tổ hệ thống và phương pháp quản trị hiện có. 

Tuy nhiên, thế hệ F2 lại gặp nhiều khó khăn vận dụng hệ thống và dung hòa với nhân sự hiện có để hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh mới, hoặc không có đủ thời gian và năng lượng trong khi phải chạy theo lối vận hành cũ của thế hệ trước. 

Vì vậy, thế hệ F2 thường sẽ tiến hành từng bước, trước tiên tập trung chuẩn hóa quy trình, áp dụng chuyển đổi số, minh bạch quyền hạn và nghĩa vụ, thu hút nhân tài bên ngoài gia đình, sau đó sẽ tính đến triển khai ý tưởng kinh doanh mới.

Trong khi thế hệ sáng lập thường dành nhiều thời gian phát triển kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận thì thế hệ kế nghiệp quan tâm nhiều tới phát triển hệ sinh thái ngành, tác động của hoạt động kinh doanh tới môi trường sống, trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ của mô hình kinh tế trên thế giới, từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn.

Việc này không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai, nhưng sẽ có những thời điểm để các thế hệ đầu tiên “kiểm tra” thế hệ kế nhiệm. Đại dịch Covid-19 chính là thời điểm doanh nghiệp gia đình có thể đánh giá được khả năng tạo nên sự khác biệt giữa thành công và thất bại của thế hệ kế nhiệm.

Vậy có những giải pháp nào doanh nghiệp có thể sử dụng để giải quyết các khó khăn, rào cản nói trên?

Ông Bùi Tuấn Minh: Sự khác biệt trong hệ tư tưởng sẽ được giải quyết trong nội bộ bằng việc tăng cường trao đổi thông tin giữa thế hệ chuyển giao và nhận chuyển giao. 

Việc trao đổi sớm giữa các thế hệ sẽ giúp cho thế hệ trước hiểu được rằng thế hệ sau có muốn tham gia và sẽ tham gia như thế nào vào doanh nghiệp gia đình trong tương lai. 

Bên cạnh đó, giao tiếp thường xuyên sẽ giúp xóa dần khoảng cách về hệ tư duy, và áp dụng các phương thức tiếp cận trong các vấn đề quản trị/vận hành doanh nghiệp.

Một trong những yếu tố thiết yếu để trao đổi kỳ vọng giữa các thế hệ một cách hiệu quả là thế hệ F1 cần tách biệt giữa việc “dạy con” và “đào tạo người kế nhiệm”. Để tránh lối suy nghĩ độc đoán thường có ở thế hệ F1, việc đào tạo thế hệ F2 nên có kế hoạch và có sự tham gia của các bên liên quan, thậm chí là sự tư vấn của các chuyên gia độc lập.

Công tác truyền thông trong và ngoài doanh nghiệp về kế hoạch kế nhiệm đóng vai trò rất quan trọng. Việc các thành viên lãnh đạo doanh nghiệp thuê tuyển ngoài, không phải là thành viên trong gia đình, các bên liên quan (như ngân hàng, đối tác, bạn hàng quan trọng…) hiểu về kế hoạch chuyển giao cũng giúp thế hệ kế cận có được những sự hỗ trợ cần thiết ngay khi họ bước chân vào nắm giữ các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp gia đình.

Một số vấn đề doanh nghiệp có thể sử dụng tư vấn độc lập về các vấn đề như việc chuẩn hóa trong việc lập và thực thi chiến lược, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chuyên nghiệp hóa công tác quản trị doanh nghiệp, soạn thảo bộ hiến pháp gia đình, phân định tài sản cá nhân và tài sản doanh nghiệp, huấn luyện (coaching) cho thế hệ kế cận...

Theo ông, thế hệ kế nhiệm có thể phát huy vai trò của mình như thế nào trong doanh nghiệp gia đình, đặc biệt trong trạng thái bình thường mới, hậu Covid-19 ở Việt Nam?

Ông Bùi Tuấn Minh: Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn về bán hàng, sản xuất, tài chính… Tôi tin đây là giai đoạn tốt để thế hệ kế nhiệm tiềm năng chứng minh năng lực bản thân.

Theo đó, thế hệ kế nhiệm khi tham gia ban lãnh đạo doanh nghiệp gia đình cần phát huy tư duy linh hoạt, ứng biến nhanh với các thay đổi bên ngoài, từ đó giúp doanh nghiệp có thêm các ý tưởng kinh doanh mới (bao gồm cả việc điều chỉnh mô hình kinh doanh), tìm ra cơ hội để phục hồi và tăng trưởng trở lại sau khủng hoảng.

Đại dịch Covid-19 cũng đã tạo ra nhiều xu hướng mới như làm việc từ xa, kỹ thuật số/số hóa với nhu cầu tăng trải nghiệm tương tác/mua hàng qua các nền tảng điện tử, kéo theo câu chuyện bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng…

Để bắt kịp với những xu hướng này, “tài sản” các doanh nghiệp gia đình cần và có thể có sẵn chính là thế hệ kế nhiệm tiềm năng thông thạo và am hiểu về kỹ thuật số.

Xin cảm ơn ông!

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục