Ngày pháp luật

Hy vọng ngày càng mong manh của hàng không trước cơn bão Covid-19 mới

Theo TheLeader

Sự bùng phát của làn sóng Covid-19 mới đang diễn ra trên nhiều thị trường khiến hy vọng sống sót của không ít hãng hàng không càng trở nên mong manh.

Cách đây 1 - 2 tháng, các hãng hàng không trên toàn thế giới bắt đầu gia tăng số lượng chuyến bay trong bối cảnh nhiều quốc gia nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh phong tỏa, cách ly xã hội cũng như người dân hào hứng đi du lịch sau khoảng thời gian dài bị buộc phải ở nhà.

Thế nhưng, đúng lúc mùa du lịch tại các quốc gia bước vào giai đoạn cao điểm thì những hy vọng của ngành hàng không cũng nhanh chóng bị dập tắt bởi những ổ dịch mới xuất hiện tại châu Á, cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ hơn tại Mỹ cũng như hàng loạt biện pháp thắt chặt đường bay tại khu vực châu Âu.

Sự lạc quan trong những đường bay nhanh chóng biến mất và ngành hàng không một lần nữa bị đẩy gần hơn đến viễn cảnh suy thoái kéo dài. Làn sóng dịch bệnh thứ hai không chỉ buộc các hãng hàng không phải suy nghĩ lại về kế hoạch khôi phục các đường bay mà còn làm tăng nguy cơ diễn ra các vụ phá sản, dấy lên lo ngại về khoảng thời gian dài hơn để ngành công nghiệp này có thể trở lại bình thường.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cuối tháng trước dự báo hoạt động du lịch hàng không toàn cầu phải đến năm 2024 mới có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước Covid-19, muộn hơn một năm so với dự báo trước đó.

Sự phục hồi chậm chạp này xuất phát từ một số yếu tố như niềm tin người tiêu dùng còn yếu, ngành du lịch suy giảm cũng như làn sóng bùng phát dịch bệnh ở nhiều khu vực khiến triển vọng ảm đạm.

IATA dự kiến trong năm nay, lượng khách toàn cầu của ngành hàng không sẽ giảm 55% so với năm ngoái, xấu hơn nhiều so với con số 46% từng được dự báo vào tháng 4.

Tổng giám đốc và Giám đốc điều hành của IATA Alexandre de Juniac cho hay, niềm tin người tiêu dùng đã bị suy giảm khi Anh vừa qua đã quyết định áp dụng biện pháp cách ly toàn bộ với mọi khách du lịch trở về từ Tây Ban Nha cùng với dịch bệnh vẫn gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới. "Tất cả điều này cho thấy một giai đoạn phục hồi dài hơn và nhiều đau đớn hơn cho ngành hàng không và nền kinh tế toàn cầu", ông đánh giá.

Một trong những ví dụ cho thấy các hãng hàng không vấp phải khó khăn khi lên kế hoạch bay là động thái gần đây của Anh. Ngày 25/7, Anh bất ngờ tái áp dụng yêu cầu cách ly 14 ngày đối với những người đến từ Tây Ban Nha sau khi khu vực này ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Sự thay đổi này đã khiến TUI, công ty kinh doanh kỳ nghỉ lớn nhất châu Âu, quyết định hủy bỏ mọi chuyến đi tới Tây Ban Nha cho tới hết ngày 9/8, theo Reuters.

Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực được kỳ vọng là nơi đầu tiên các chuyến bay thương mại quốc tế có thể quay trở lại, đã và đang áp dụng các biện pháp khẩn cấp cả cũ lẫn mới.

Các hãng hàng không Việt cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến bất ngờ tại Đà Nẵng vừa qua.
Các hãng hàng không Việt cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến bất ngờ tại Đà Nẵng vừa qua.

“Bong bóng du lịch” dự kiến được triển khai giữa Australia và New Zealand đã bị hoãn lại sau khi số ca nhiễm tăng mạnh khiến Melbourne bị phong tỏa còn bang Victoria rơi vào tình trạng khẩn cấp. Philippines tạm từng các chuyến đi quốc tế không cần thiết chỉ một tháng sau khi dịch vụ được nối lại còn Hồng Kông yêu cầu hành khách phải xuất trình giấy tờ chứng minh âm tính trước khi nhập cảnh.

Tại Việt Nam, làn sóng Covid-19 mới xuất hiện tại Đà Nẵng sau khoảng ba tháng không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng đã khiến hoạt động hàng không ngay lập tức bị xáo trộn. Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản dừng toàn bộ các chuyến bay chở khách trên các đường bay nội địa đi/đến thành phố Đà Nẵng trong vòng 15 ngày kể từ ngày 28/7.

Sự bùng phát nhanh chóng của đợt dịch bệnh lần này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động bay đi/đến Đà Nẵng mà còn hàng loạt các đường bay khác khi tâm lý lo sợ trong người dân tăng cao.

Quý II vừa qua chứng khiến nhu cầu đi lại nội địa gia tăng nhanh chóng, các hãng hàng không gia tăng tần suất chuyến bay lẫn mở thêm các đường bay mới nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách. 

Vietnam Airlines khôi phục hoàn toàn mạng bay nội địa với trung bình gần 320 chuyến bay mỗi ngày với 57 đường bay trong khi Vietjet khai thác khai thác tổng số 52 đường bay với hơn 300 chuyến/ngày trong tháng 6. Bamboo Airways cũng có động thái tăng tần suất chuyến bay một số chặng.

Kết thúc quý II, Vietjet ghi nhận mức doanh thu dịch vụ vận tải hàng không đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 54%, và mức lỗ hàng không 1.122 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm, Vietjet lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỷ đồng.

Theo công bố báo cáo tài chính quý II, Vietnam Airlines có doanh thu thuần hợp nhất đạt xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, giảm 75% so với con số hơn 24.100 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Doanh thu khiêm tốn không bù đắp được các chi phí trực tiếp khiến Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ gộp 3.874 tỷ đồng.

Đơn vị này cho biết do tác động của Covid-19, doanh thu hành khách nội địa của riêng công ty mẹ giảm 57,7% so với quý II/2019; doanh thu hành khách quốc tế giảm 96,6%; doanh thu thuê chuyến giảm 89%.

Lũy kế nửa đầu năm, hãng hàng không quốc gia có 24.808 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% và lỗ sau thuế 6.642 tỷ đồng.

Làn sóng phá sản theo sau sự bùng phát của dịch bệnh

Đà phục hồi nhu cầu đang nhen nhóm tại Mỹ cũng “tắt ngóm” khi số ca nhiễm tăng vọt buộc nhiều tiểu bang và thành phố yêu cầu cách ly đối với du khách. Làn sóng tái phát đã khiến Scott Kirby, Giám đốc điều hành của United Airlines, dự báo mức doanh thu của công ty này sẽ chỉ có thể hồi phục ở mức tối đa 50% so với mức trước dịch cho đến khi vắc xin được sử dụng rộng rãi, Bloomberg đưa tin.

Mùa hè vốn là khoảng thời gian mang lại lợi nhuận cho nhiều hãng hàng không trong bối cảnh bình thường nhưng với viễn cảnh hồi phục mờ nhạt như hiện nay, thế giới sẽ không tránh khỏi một loạt vụ sụp đổ và phá sản, theo Stuart Hatcher, cố vấn tại IBA Group.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng của ngành du lịch là sự sụp đổ trong hoạt động du lịch cho giới kinh doanh, đặc biệt là trên các đường bay xuyên Đại Tây Dương và nối Trung Quốc với châu Âu - những đường bay vốn đóng góp phần lớn doanh thu của các hãng hàng không.

Bloomberg cho biết kể từ đầu năm tới nay, có khoảng 34 hãng hàng không trên khắp thế giới rơi vào phá sản, gia tăng so với con số 27 của năm 2019 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể mức 63 của năm 2008, có thể kể đến một số cái tên như Flybe có trụ sở tại Anh, SunExpress Deutschland kết nối khách du lịch Đức với Thổ Nhĩ Kỳ hay OpenSkies của International Consolidated Airlines Group bay giữa Paris và Mỹ.

Đầu tháng này, hãng hàng không Virgin Atlantic Airways của vị tỷ phú và nhà sáng lập Richard Branson của tập đoàn Virgin Group đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản trước nguy cơ cạn kiệt tiền mặt vào tháng tới nếu thỏa thuận giải cứu không được chấp thuận. Hãng hàng không khác thuộc Virgin Group là Virgin Australia đã buộc phải chuyển quyền tiếp quản cho đơn vị khác do thu nhập không đủ chi trả gánh nặng nợ nần trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn.

Avianca Holdings SA, hãng hàng không lớn thứ hai khu vực Mỹ Latinh, đã buộc phải xin phá sản sau khi không thể đáp ứng được thời hạn thanh toán trái phiếu và dần vô vọng trong việc xin viện trợ từ chính phủ Colombia, theo Reuters.

Mặc dù Avianca đã suy yếu một phần trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, động thái nộp đơn mới nhất càng làm rõ thêm thách thức của các hãng hàng không giữa khủng hoảng nếu như không có sự giải cứu từ nhà nước. Hiện Avianca vẫn kỳ vọng vào một gói cứu trợ từ chính phủ.

Chưa hết, hãng hàng không quốc gia Thái Lan Thai Airways cũng không nằm ngoài vòng xoáy của Covid-19 khi gánh nặng nợ nần kéo dài trong nhiều năm cùng ảnh hưởng của dịch bệnh đã buộc hãng này phải dừng bay. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục