Cần đầu tư khoảng 368 tỷ USD từ nay đến 2040
Theo các chuyên gia, nếu không điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa hơn và tương thích với biến đổi khí hậu (BĐKH), nền kinh tế sẽ trở nên dễ tổn thương và thiếu bền vững trong dài hạn. Ngược lại, nếu điều chỉnh kịp thời thì Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội để đạt được sự tăng trưởng xanh bền vững, thích ứng BĐKH cũng như thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế.
Tăng trưởng thích ứng với khí hậu là một mô hình phát triển lồng ghép giảm thiểu và thích ứng với BĐKH vào các chiến lược tăng trưởng kinh tế. Không giống như các mô hình tăng trưởng truyền thống thường ưu tiên phát triển kinh tế mà không quan tâm đến tính bền vững của môi trường, tăng trưởng thích ứng với khí hậu ghi nhận sự phụ thuộc lẫn nhau của các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.
Đặc biệt, tăng trưởng thích ứng với khí hậu hướng đến một nền kinh tế carbon thấp, nhấn mạnh sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, thúc đẩy hiệu quả năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng và thể chế thích ứng với BĐKH. Tăng trưởng thích ứng với khí hậu cũng công nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên, nâng cao vai trò quan trọng của tự nhiên trong việc khử carbon chống chịu lại các tác động của khí hậu.
Theo WB, để thực hiện lộ trình tăng trưởng thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng 0 như cam kết tại COP 26, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040.
Làm gì để tận dụng thuế carbon và thị trường carbon?
Theo nhóm chuyên gia đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử carbon để đạt được mục tiêu phát triển với phát thải ròng bằng “0” mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP trong trung và dài hạn.
Từ kinh nghiệm áp dụng thuế carbon của một số các quốc gia tiêu biểu trên thế giới và điều kiện đặc thù về kinh tế - xã hội, pháp luật cũng như chiến lược quốc gia của Việt Nam về tăng trưởng xanh, theo các chuyên gia, khi thiết kế và áp dụng, nội dung của thuế carbon phải cụ thể hóa được một số yêu cầu.
Trước hết, cơ sở thuế carbon phải được thiết kế phù hợp để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, việc xác định phạm vi đối tượng chịu thuế carbon phải bảo đảm tránh đánh thuế hai lần, tránh làm gia tăng thêm gánh nặng thuế cho xã hội có thể dẫn tới việc thuế carbon bị người dân và doanh nghiệp (DN) phản đối.
Thứ hai, để thuận lợi cho công tác quản lý thuế, thuế carbon nên điều tiết vào khâu đầu tiên đưa nhiên liệu hóa thạch vào thị trường. Theo đó, người nộp thuế carbon sẽ là các chủ thể nhập khẩu, khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Thứ ba, mức thuế suất khởi điểm nên quy định thấp để thuận lợi áp dụng thuế carbon vào thực tiễn do được người dân và DN dễ chấp nhận hơn. Sau đó, mức thuế suất được điều chỉnh tăng dần lên trên cơ sở xem xét các yếu tố khác nhau như diễn biến của tình trạng quốc gia.
Thứ tư, khi áp dụng thuế carbon, pháp luật ngân sách nhà nước phải bổ sung quy định về việc tách bạch riêng thuế carbon ra khỏi các nguồn thu khác và xác định rõ mục đích sử dụng tiền thuế carbon là cho lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Với kiến nghị áp dụng thị trường carbon, nhóm chuyên gia NEU cho rằng, với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, đặc biệt Nghị định 06/2022/NĐ-CP, có thể thấy thị trường carbon trong nước đã dần được định hình rõ nét hơn.
“Thị trường này sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các DN FDI, cũng như tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính có sự quan tâm cao tới bảo vệ môi trường như các nước châu Âu. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan cần xây dựng thể chế rõ ràng.
Cụ thể, Bộ Tài chính cần sớm trình, ban hành Đề án để tạo lập chính thức sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; quy định rõ về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới; đánh thuế carbon; Bộ TN&MT hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với các quy định, điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia.
Các Bộ: Xây dựng, KH&ĐT, GTVT… xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường tín chỉ carbon, bao gồm hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế vận hành và cơ quan chịu trách nhiệm để quản lý thị trường giao dịch tín chỉ carbon, kể cả các sàn giao dịch để thống nhất quản lý về nhà nước; Bổ sung nguồn lực từ cấp trung ương tới các địa phương để phát triển các dự án xanh mang tính chất định hướng, dẫn dắt thị trường đầu tư. Tranh thủ nguồn lực quốc tế hỗ trợ qua quỹ tín dụng xanh và áp dụng công nghệ cũng như quy trình quản lý tiên tiến…
Link bài gốc