Cái tên giản dị, thiết thực
Những năm giữa thập niên 80, vẫn còn trong thời kỳ bao cấp, khi nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật trở nên cấp thiết nhưng lại thiếu vắng một kênh truyền thông chuyên biệt, đủ khả năng lan tỏa sâu rộng, Báo Pháp luật thường thức (tiền thân của Báo Pháp luật Việt Nam) đã ra đời.
Nhà báo Vũ Duy Thiệu - Nguyên Trưởng ban Thư ký Báo Pháp luật nhớ lại: Tôi năm đó mới từ Đài Tiếng nói Việt Nam sang, là thành viên của Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật và rất may mắn được ông Lê Sĩ - Vụ trưởng - giao nhiệm vụ viết đề cương thành lập báo. Mở đầu bản đề cương, chúng tôi đề cập ngay mục đích, tôn chỉ và xác định đối tượng độc giả của báo.
“Chúng tôi bàn bạc rất kỹ và cuối cùng thống nhất với nhau lấy tên báo là “Pháp luật và Đời sống”, với 8 trang gồm các chuyên mục như: Tìm hiểu pháp luật; Giải đáp pháp luật; Văn học pháp lý (chủ yếu là câu chuyện vụ án)... Với bản đề cương đó, chúng tôi đã trình ông Phan Hiền - Bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc đó, rồi chúng tôi chuyển hồ sơ lên Ban Tuyên huấn Trung ương về việc Bộ Tư pháp xin ra tờ báo “Pháp luật và Đời sống”, ông Thiệu kể.
Bản đề cương được trình Bộ trưởng Tư pháp Phan Hiền và sau đó chuyển đến Ban Tuyên huấn Trung ương. Ban Tuyên huấn Trung ương chấp thuận và cấp ngay giấy phép. Tuy nhiên, vấn đề lại phát sinh khi Bộ trưởng Phan Hiền không nhất trí với tên gọi "Pháp luật và Đời sống", vì lo ngại "Pháp luật và Đời sống" quá rộng so với nguồn lực nhân sự bấy giờ khá… khiêm tốn. Thay vào đó, ông đề xuất đổi tên thành Pháp luật thường thức - một cái tên giản dị, thiết thực và phù hợp hơn với nhiệm vụ phổ biến kiến thức pháp luật.
Việc đổi tên được tiến hành, trụ sở Báo lúc ấy đặt tại số 5 Ông Ích Khiêm. Dù có những điều chỉnh và yêu cầu nghiêm ngặt, khi nhận được quyết định lần hai, không khí trong nhóm làm báo ngập niềm vui…
Đầu tháng 4 năm 1985, sau một cuộc họp đầy căng thẳng tại Bộ, ông Lê Sĩ đã gọi nhà báo Vũ Duy Thiệu bàn bạc kế hoạch phát hành báo. Ông gợi ý: “Anh tính toán xem ta có thể ra báo sớm hơn được không, hay là ta ra báo vào dịp 30/4 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…”. Tuy nhiên, nhà báo Vũ Duy Thiệu đã cẩn trọng đề xuất một phương án khác: dành thời gian để chuẩn bị kỹ nội dung của 5 số báo đầu, từ đó có thể tự tin phát hành số đầu tiên vào ngày 10/7/1985.
Những nội dung đặc sắc trên số đầu
Nhìn vào những số đầu của Pháp luật thường thức, ấn tượng với độc giả là mục “Lời ghi nhớ” nằm ở góc trên bên phải cạnh măng-sét - một chuyên mục đặc trưng xuyên suốt nhiều số báo. Ví dụ, số đầu tiên, nội dung trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950: “Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động… pháp luật của ta là pháp luật thực sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động…”. “Lời ghi nhớ” được trình bày ngắn gọn trong khung riêng, vừa như lời nhắc nhở, vừa thể hiện rõ tôn chỉ của Báo. Đây cũng là dấu ấn riêng, mang tính biểu tượng của Pháp luật thường thức ngay từ số báo đầu tiên.
Cũng tại trang bìa số đầu tiên, đã giới thiệu bài nói chuyện của đồng chí Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tư pháp lần thứ 1, tháng giêng năm 1983 về “Xây dựng và thực hiện pháp chế Xã hội chủ nghĩa”.
Sự ra đời của Báo Pháp luật thường thức diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa chính thức thông qua Bộ luật Hình sự đầu tiên tại Kỳ họp thứ 9, khóa VII. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với lĩnh vực lập pháp, mà còn mở ra yêu cầu mới đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng trong đời sống xã hội. Ngay từ trang bìa, tiêu đề lớn “Quốc hội chính thức thông qua Bộ luật Hình sự” đã phản ánh sự kiện quan trọng này.
Các bài viết trong số báo đầu tiên cũng tập trung phản ánh sự kiện lập pháp nổi bật đó là việc thông qua Bộ luật Hình sự. Bài “Bộ luật Hình sự, một công trình lập pháp quan trọng” phân tích toàn diện về ý nghĩa, nội dung, kết cấu và vai trò của Bộ luật Hình sự năm 1985. Theo bài viết, việc ban hành Bộ luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp thiết về quản lý xã hội bằng pháp luật mà còn đánh dấu bước phát triển trong tư duy lập pháp của Việt Nam.
Một số bài viết khác phản ánh các hoạt động liên quan đến triển khai công tác tư pháp tại các địa phương và ngành, như bài “Chiến dịch đẩy mạnh công tác tư pháp đợt một thành công tốt đẹp”. Bên cạnh các bài viết về pháp luật hình sự và công tác lập pháp, tờ báo còn dành dung lượng đáng kể cho các mục phổ biến kiến thức pháp luật mang tính thực tiễn cao. Bài “Mỗi người chúng ta cần tìm hiểu Bộ luật Hình sự và chấp hành cho đúng” cung cấp kiến thức cơ bản về các quy định của Bộ luật Hình sự, đồng thời khuyến khích việc tìm hiểu và tuân thủ pháp luật trong nhân dân.
Đáng chú ý, trong số báo đầu tiên, chuyên mục “Câu chuyện vụ án” đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc với bài viết “Vụ án giữa biển khơi” của nhà văn Nguyễn Trần Thiết. Đây là một tác phẩm được thể hiện dưới hình thức kể chuyện điều tra, phản ánh một vụ án trên biển với nhiều tình tiết phức tạp. Thông qua việc thuật lại diễn biến vụ án, tác giả đồng thời lồng ghép các quy định pháp luật liên quan. Bài viết không chỉ đơn thuần mang tính chất thông tin mà còn là một phương thức phổ biến pháp luật sinh động, góp phần làm cho các quy định pháp luật khô khan trở nên dễ tiếp cận, gần gũi hơn với bạn đọc. Hình thức kết hợp giữa kể chuyện và tuyên truyền pháp luật này đã thể hiện rõ chủ trương “pháp luật phục vụ nhân dân”, giúp người dân hiểu đúng, hành xử đúng và tuân thủ pháp luật trong thực tiễn đời sống. Đây cũng là nét đặc sắc riêng có của Pháp luật thường thức ngay từ số đầu tiên.
Ở các trang sau, báo tiếp tục mở rộng nội dung bằng những chuyên mục gắn với đời sống thường ngày như: “Đi xuống cơ sở đối thoại với nhân dân”, “Pháp luật và vấn đề rau xanh”, “Không được coi thường pháp luật”, “Đạt lý và thấu tình”,… Các bài viết này đề cập đến các vấn đề cụ thể trong thực tiễn như quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hoạt động tư pháp tại cơ sở, các vụ việc dân sự liên quan đến đất đai, hôn nhân, gia đình. Qua đó, Báo nhấn mạnh việc đưa pháp luật đến gần đời sống nhân dân, đồng thời phản ánh yêu cầu tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong xã hội.
Ngoài ra, những số báo đầu tiên cũng dành không gian cho các mục mang tính tuyên truyền - giải trí, với thơ vui, tranh biếm họa và các câu chuyện pháp luật lạ. Các mục này tuy nhẹ nhàng nhưng vẫn lồng ghép nội dung pháp luật, góp phần tạo sự sinh động cho tờ báo.
Đặc biệt, chuyên mục “Giải đáp pháp luật” xuất hiện ngay từ số đầu tiên, đóng vai trò là cầu nối giữa bạn đọc và cơ quan tư pháp. Chuyên mục này giải thích những thắc mắc cụ thể về các lĩnh vực như dân sự, hình sự, hôn nhân - gia đình, đất đai… thông qua những câu trả lời ngắn gọn, dễ hiểu. Đây là hình thức phổ biến pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật trong nhân dân.
Xét về hình thức, Báo Pháp luật thường thức số đầu tiên in trên giấy khổ A3, mực in đen trắng, trình bày mạch lạc, dễ đọc. Các bài viết được sắp xếp theo bố cục rõ ràng, ưu tiên các vấn đề lớn của quốc gia ở các trang đầu, sau đó mới đến các bài viết chuyên sâu và mục thường kỳ. Phần tranh minh họa tuy đơn giản nhưng bám sát nội dung bài viết, góp phần tăng sức hấp dẫn.
Có thể khẳng định, số báo đầu tiên của Pháp luật thường thức đã thể hiện rõ định hướng là một tờ báo chuyên sâu về pháp luật, phục vụ nhu cầu phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong nhân dân. Báo vừa phản ánh các sự kiện pháp lý quan trọng, vừa giới thiệu các kiến thức pháp luật cơ bản, đồng thời nhấn mạnh tính thực tiễn, gần gũi với đời sống xã hội. Tờ báo đã tạo dựng nền tảng vững chắc cho hành trình phát triển của Báo Pháp luật Việt Nam.
Pháp luật thường thức số 2 phát hành đã có lời nhắn gửi ngắn gọn, súc tích nhưng thể hiện rõ phương châm và mục tiêu của tờ báo:
“Bạn đọc thân mến,
Nhằm không ngừng nâng cao ý thức và kiến thức pháp luật của nhân dân, Báo Pháp luật thường thức - cơ quan của Bộ Tư pháp - đã ra mắt bạn đọc kể từ ngày 10/7/1985.
Ngay từ số báo đầu, Pháp luật thường thức đã được sự cộng tác của nhiều đồng chí cán bộ tư pháp, pháp chế và cộng tác viên.
Để đáp ứng yêu cầu chung, Báo Pháp luật thường thức sẽ phản ánh mọi mặt về pháp chế xã hội chủ nghĩa, về tình hình thi hành pháp luật qua các mục điều tra, phóng sự, nêu gương tốt, người tốt trong sinh hoạt và công tác hằng ngày. Báo dành số trang để giới thiệu văn bản pháp luật mới và giải đáp câu hỏi về pháp luật, thường xuyên có các mục: câu chuyện vụ án, pháp luật đó đây, câu lạc bộ pháp luật…
Báo Pháp luật thường thức mong muốn được bạn đọc góp ý, phê bình, xây dựng Báo”.