Trong văn bản mới nhất, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch (condotel) và những công trình xây dựng trong dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án nhà ở như biệt thự du lịch, nhà phố du lịch, văn phòng lưu, căn hộ dịch vụ, căn hộ thương mại.
Cụ thể Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung của chủ sở hữu condotel.
Từ đó Bộ Tài nguyên Môi trường có căn cứ hướng dẫn các địa phương ghi diện tích “phần sở hữu riêng, quyền sử dụng đất của chủ sở hữu condotel” vào “Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình không phải là nhà ở” của chủ sở hữu condotel.
HoREA cũng đề nghị quy định trách nhiệm bảo trì, kinh phí bảo trì, quản lý sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và cơ chế quản lý vận hành đối với tòa nhà condotel.
Theo Hiệp hội, mặc dù trong năm 2019 và 2020, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một số văn bản để hướng dẫn giải quyết các vướng mắc về căn hộ condotel, HoREA đánh giá những văn bản này còn rời rạc, thiếu tính đồng bộ, tính liên thông, nên không xử lý được các vướng mắc đối với căn hộ condotel.
Hiện nay cả nước có khoảng 82.900 căn hộ condotel phần lớn nằm trong tòa nhà cao tầng thuộc các khu du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng quỹ đất là “đất thương mại, dịch vụ”, theo quy định của Luật Đất đai, có thời hạn sử dụng đất tối đa 50 năm, trường hợp đặc biệt tối đa không quá 70 năm.
Trong hơn 10 năm qua, một số UBND cấp tỉnh đã cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở” (ổn định lâu dài) cho căn hộ condotel. Tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã kết luận việc cấp giấy chứng nhận này cho căn hộ condotel là trái với quy định của Luật Đất đai.
Theo HoREA, căn cứ quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai, chủ sở hữu công trình xây dựng trong dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án nhà ở, trong đó có condotel, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch thuộc dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng lưu trú, căn hộ dịch vụ, căn hộ thương mại có quyền yêu cầu được “cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất” (sổ hồng) có thời hạn, theo thời hạn của dự án.
“Do chưa có các quy định pháp luật đồng bộ, đến nay các chủ sở hữu công trình xây dựng trong dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án nhà ở, trong đó có căn hộ condotel vẫn chưa được cấp “sổ hồng”. Vì vậy rất cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết yêu cầu chính đáng này”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.
Pháp lý condotel
Hàng nghìn căn hộ condotel vẫn được phê duyệt dù pháp lý còn đang tranh cãi
Xem thêm
Trong văn bản, HoREA cũng chỉ ra căn hộ condotel có nhiều điểm tương đồng với căn hộ nhà chung cư và hầu hết đều nằm trong tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, hiện nay kiểu căn hộ condotel vẫn còn thiếu các quy định pháp luật điều chỉnh do 3 vướng mắc pháp lý chính.
Thứ nhất, chưa có căn cứ pháp luật để xác định phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung, để cấp “sổ hồng” cho chủ sở hữu căn hộ condotel.
Thứ hai, chưa có căn cứ pháp luật để xác định trách nhiệm bảo trì, kinh phí bảo trì, quản lý sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của chủ sở hữu căn hộ condotel.
Thứ ba, chưa có quy định về cơ chế quản lý vận hành tòa nhà khi đưa dự án căn hộ condotel vào khai thác kinh doanh.
Condotel - căn hộ du lịch phát triển từ năm 2015, cao trào vào năm 2016-2017, và bắt đầu giảm nhiệt từ 2018 đến nay. Sau khi bùng nổ từ năm 2016, bất động sản nghỉ dưỡng từng có lúc dẫn dắt các cơn sốt trên thị trường. Nhà đầu tư cũng từng xếp hàng để mua chênh các căn hộ khách sạn (condotel). Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, vấn đề pháp lý của các sản phẩm nghỉ dưỡng bắt đầu nổi lên, trong đó điều vướng mắc nhất là thời hạn sở hữu của condotel và việc cấp sổ... Cho đến nay, việc triển khai cấp sổ của các dự án condotel vẫn gặp nhiều vướng mắc.