Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến hết ngày 20/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã đạt hơn 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 10 tháng năm 2021, Việt Nam có 1.375 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt trên 13 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm là 776 dự án, đạt trên 7,09 tỷ USD (tăng 24,2%). Hơn 3,63 tỷ USD còn lại được chia đều cho 3.063 lượt góp vốn, mua cổ phần.
Báo cáo chỉ ra, có 18 ngành lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm 33,1% tổng số dự án đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng.
Đứng đầu danh sách 97 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam 10 tháng đầu năm là Singapore với 6,77 tỷ USD (chiếm 28,5%), vị trí tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc và Nhật Bản đã rót 4,15 tỷ USD và 3,4 tỷ USD vốn đầu tư.
Điểm đáng chú ý trong tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 10 tháng đầu năm 2021 là sự "đổi ngôi" của các địa phương dẫn đầu.
Nếu như năm 2020, TP HCM dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 4,36 tỷ USD, Bạc Liêu đứng thứ hai, Hà Nội đứng thứ 3 với gần 3,6 tỷ USD... thì sau 10 tháng đầu năm 2021, Long An bất ngờ đứng đầu danh sách thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD.
TP HCM trở lại vị trí thứ 2 với trên 2,73 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký 2,72 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh,…
Ngoài việc Long An soán ngôi đầu bảng, Cần Thơ gây bất ngờ khi lọt vào top 5 tỉnh thu hút FDI nhiều nhất trong 10 tháng qua. Với 1,32 tỷ USD vốn đăng ký mới, địa phương này thậm chí đứng trước cả Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang hay Đồng Nai.
Đây là lần đầu tiên Cần Thơ lọt vào nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Trước đó, trong toàn bộ năm 2020, Cần Thơ chỉ thu hút 11 triệu USD vốn FDI. Xét về số lượng dự án, Cần Thơ cũng khiêm tốn khi chỉ thu hút được 4 dự án FDI.
Vốn FDI của Cần Thơ thu hút từ đầu năm đến nay chủ yếu nhờ dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) có tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại địa phương.