Theo số liệu công bố của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Đơn vị này cũng cho biết, vốn đăng ký mới tiếp tục duy trì tăng, vốn điều chỉnh cũng tăng nhẹ trở lại sau khi giảm trong 7 tháng, chỉ có vốn góp, mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm.
Cụ thể, mặc dù số lượng dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm gần 37% về số lượng, lùi về 1.135 đơn vị nhưng tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỷ USD, tăng 16,3%. Tổng vốn đăng ký tăng thêm cũng đạt gần 5 tỷ USD, tăng 2,3%.
Ở chiều ngược lại, vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp Việt Nam giảm hơn 43%, chỉ còn 2,8 tỷ USD.
Lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư gần 5,5 tỷ USD (28,7%), kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ ghi nhận tổng vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD.
Về đối tác đầu tư, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 6,2 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ hai với 3,2 tỷ USD. Vốn đầu tư từ hai quốc gia này chủ yếu theo hình thức đầu tư mới.
Mặc dù đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,4 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ nhưng Hàn Quốc lại là quốc gia dẫn đầu về số dự án đầu tư mới cũng như lượt dự án điều chỉnh vốn.
Về địa bàn đầu tư, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, trong đó có dự án điện quy mô 3,1 tỷ USD (chiếm tới 85,8% tổng vốn đầu tư của tỉnh). TP HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỷ USD, địa phương
"hàng xóm" Bình Dương cũng thu hút gần 1,7 tỷ USD.
Xét về số dự án, TP HCM dẫn đầu cả về số dự án mới (34%), số lượt dự án điều chỉnh (18,3%) và góp vốn, mua cổ phần (59,8%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút FDI trong 8 tháng, song xếp thứ 2 về số dự án mới (21,5%), số lượt dự án điều chỉnh (14,2%) và góp vốn mua cổ phần (12,1%).