Báo cáo tại phiên họp, Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp cho biết sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật đấu giá tài sản đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công.
Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật đấu giá tài sản điều chỉnh; một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với một số loại tài sản có tính chất đặc thù.
Do đó, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động bán đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Để đạt được mục đích trên, Luật sửa đổi sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách lớn bao gồm: Hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên để phát triển hợp lý số lượng và nâng cao một bước chất lượng đội ngũ đấu giá viên; Hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản, cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản trong hoạt động hành nghề; Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản để phù hợp thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thống nhất; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với hoạt động đấu giá tài sản, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Góp ý đối với từng nhóm chính sách, ông Trần Mai Long, đại diện Công ty Quản lý tài sản (VAMC) bày tỏ đồng tình với việc tiếp tục thắt chặt các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên để nâng cao chất lượng công tác bán đấu giá tài sản. Theo đó, cần quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề để trở thành đấu giá viên; quy định trách nhiệm tham gia đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đội ngũ đấu giá viên.
Đối với trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đặc thù như các dự án tốn rất nhiều thời gian để tiến hành kiểm tra, thẩm định nên theo ông Long, dự án Luật sửa đổi cần bao quát được cả vấn đề này. Ngoài ra, cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ các bên, nhất là quyền của người có tài sản.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái đề nghị cần làm rõ đòi hỏi yêu cầu của tình hình mới và những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra, đòi hỏi sự cần thiết sửa đổi Luật. Cơ bản đồng tình với 3 nhóm chính sách, song ông Thái cho rằng cần làm nổi bật hơn nữa sự đặc thù về giá, trình tự bán đấu giá với từng loại tài sản. Về thủ tục, cần phân định rõ giữa bán đấu giá tài sản tự nguyện với tài sản đặc thù, từ đó sẽ kéo theo các quy định về hậu quả pháp lý, xử lý tài sản khi bán đấu giá xong.
Theo đại diện Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt, hiện nay còn thiếu các chính sách để hỗ trợ công tác đấu giá phát triển theo kịp với các nước. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật đấu giá tài sản cần quan tâm hơn tới vấn đề này.
Góp ý về hình thức đấu giá trực tuyến, đại diện Công ty này cho rằng khi sửa đổi quy định liên quan tới hình thức đấu giá này, cần đón được xu thế phát triển của công nghệ thông tin trong thời gian tới đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ hình thức đấu giá trực tuyến theo hướng có sự kiểm tra chéo để đảm bảo thực sự hiệu quả, minh bạch. Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng cần làm rõ hơn hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện các chính sách để đảm bảo tính logic và sự phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Về sự cần thiết sửa đổi Luật, Thứ trưởng nhận định các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định là rất xác đáng, do đó cần tiếp thu, rà soát để hoàn thiện hồ sơ.
Theo Thứ trưởng, đấu giá tài sản là hoạt động có phạm vi rộng, liên quan tới nhiều ngành khác nhau do vậy trước mắt, cần sửa đổi ngay những vấn đề bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong tình hình mới. Về lâu dài, cần nghiên cứu các mô hình đấu giá của quốc tế, chọn lọc, áp dụng phù hợp với bối cảnh Việt Nam để đưa công tác này ngày càng đi vào thực chất.