Ngày pháp luật

Bảo đảm sự công khai, minh bạch trong đấu giá tài sản công

An Như/ Cổng thông tin điện tử Bộ Tư Pháp

“Cần quy định cụ thể về việc cơ quan quản lý nhà nước đối với tài sản công được đem bán đấu giá phải có trách nhiệm tham gia vào hoạt động bán đấu giá để bảo đảm lợi ích của nhà nước” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh trong buổi họp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.

Cùng với ý kiến nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định phải xác định rõ nguyên tắc mạng đấu giá tài sản trực tuyến quốc gia là biện pháp quan trọng để bảo đảm lợi ích của nhà nước trong đấu giá tài sản công. Việc xây dựng, vận hành mạng đấu giá tài sản quốc gia phải được ưu tiên đầu tư xây dựng sớm để bảo đảm sự công khai minh bạch trong đấu giá tài sản công.

Tại buổi thẩm định, đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, Luật Đấu giá tài sản chỉ điều chỉnh bán đấu giá tài sản công và tài sản tư pháp. Vấn đề đặt ra đối với tài sản này là chủ thể nào được bán và bán bằng phương thức nào?

Về chủ thể, Luật Đấu giá tài sản quy định có Trung tâm dịch vụ đấu giá thuộc Sở Tư pháp và Doanh nghiệp bán đấu giá. Phương thức bán đấu giá có trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp và trực tuyến. Đồng chí Lê Xuân Hồng nhấn mạnh, dự thảo Nghị định này chỉ quy định về phương thức đấu giá trực tuyến.

Bảo đảm sự công khai, minh bạch trong đấu giá tài sản công - Ảnh 1

Theo dự thảo Nghị định, Hội đồng đấu giá tài sản hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thực hiện đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thông qua hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia.

Đồng thời, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về chi phí tham gia hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia và các chi phí khác để tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến được tính vào chi phí đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật Đấu giá tài sản.

Dự thảo Nghị định được chỉnh lý theo hướng xây dựng mô hình đấu giá trực tuyến “tập trung”, theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá tài sản ở trung ương sẽ thành hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia để các tổ chức đấu giá tài sản tổ chức thực hiện đấu giá trực tuyến các loại tài sản.

Bảo đảm sự công khai, minh bạch trong đấu giá tài sản công - Ảnh 2

Để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch, khách quan, trên cơ sở nghiên cứu mô hình đấu giá trực tuyến của một số nước trên thế giới, dự thảo Nghị định quy định cụ thể các yêu cầu đối với hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia như: công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận thông tin; người sử dụng nhận biết được thời gian thực khi truy cập vào hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia; hoạt động liên tục, thống nhất, ổn định, an toàn, bảo mật về tài khoản truy cập, việc tham gia trả giá, giá đã trả và các thông tin về người tham gia đấu giá, có khả năng xác thực người dùng, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu; hiển thị công khai, trung thực giá trả của người tham gia đấu giá; thực hiện ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch, mức giá được trả tại các cuộc đấu giá, việc rút lại giá đã trả và những thông tin cần thiết khác trong quá trình tổ chức đấu giá trên hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia; hiển thị mức giá cao nhất được hệ thống đấu giá trực tuyến ghi nhận liên tục để những người tham gia đấu giá có thể xem được…

Các ý kiến tại phiên họp về cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị định quy định mô hình đấu giá trực tuyến tập trung theo hướng xây dựng hệ thống đấu giá tài sản quốc gia thống nhất để các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện đấu giá trực tuyến và lộ trình thực hiện.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, “đấu giá tài sản trực tuyến chỉ là một trong những phương thức đấu giá tài sản theo Luật Đấu giá tài sản chứ không nên coi đấu giá trực tuyến là một giải pháp để giải quyết tất cả những bất cập hiện nay”. Ông cũng chia sẻ băn khoăn khi hệ thống đấu giá tài sản quốc gia được xây dựng và dùng chung thì việc chuẩn bị về điều kiện vật chất, kỹ thuật, con người phải rất kỹ lưỡng để quản lý và vận hành.

Bên cạnh đó, theo ông chỉ tài sản công thì buộc phải thực hiện trên hệ thống đấu giá tài sản quốc gia, còn nếu tài sản khác có thể sử dụng Trang đấu giá trực tuyến do các tổ chức đấu giá tài sản tự xây dựng. Đối với đấu giá đất, ông cho rằng “vẫn đấu giá trực tuyến bình thường, nhưng việc kết nối với Trung tâm Phát triển quỹ đất, với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư được thực hiện như thế nào? Nên cần phải thiết kế quy định về kết nối liên thông với nhau để tạo thuận lợi trong việc thực hiện.

Bảo đảm sự công khai, minh bạch trong đấu giá tài sản công - Ảnh 3

Nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62, ông Nguyễn Trung Dũng Trưởng phòng Phần mềm và cơ sở dữ liệu, Cục Công nghệ thông tin nhận định, trong thời gian qua đấu giá trực tuyến bên cạnh những kết quả đạt được còn có nhiều bất cập. Trong Nghị định số 62 hiện hành có quy định để cho các tổ chức, cá nhân tự xây dựng phần mềm và Sở Tư pháp là cơ quan phê duyệt lần đầu hồ sơ đấu giá trực tuyến.

Tuy nhiên, theo ông, để đánh giá hệ thống đó có đáp ứng được yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin hay trong quá trình vận hành có cần điều chỉnh gì không thì Sở Tư pháp gần như không có nguồn lực và chuyên môn để đánh giá. Ông Nguyễn Trung Dũng cũng thể hiện băn khoăn khi Hồ sơ đã được phê duyệt, thì hệ thống được vận hành, cài đặt ở đâu, có đảm bảo được các yêu cầu về bảo mật, về an toàn, an ninh thông tin không?

Bên cạnh đó, tài sản nhà nước mà đấu giá qua Trang thông tin tiềm ẩn nguy cơ thay đổi, điều chỉnh thông tin. Do đó việc xây dựng hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến phải được xây dựng tập trung, thống nhất và do cơ quan nhà nước có chuyên môn, năng lực, thẩm quyền quản lý, vận hành.

Ông Nguyễn Trung Dũng cũng nêu 1 số thông tin liên quan đến Hệ thống đấu thầu quốc gia được thực hiện có lộ trình và hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến quốc gia cũng nên đi theo lộ trình tương tự. Ông cho rằng, nên quy định trong dự thảo là tài sản nhà nước phải thông qua hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến quốc gia. Đồng thời có thể cân nhắc thêm quy định về giới hạn phạm vi về tài sản hoặc theo giá trị tài sản là từ bao nhiêu thì sẽ thực hiện đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thông qua hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia.

Phát biểu tại cuộc họp thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự nghiêm túc, cố gắng trong xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung.

Về cơ bản, dự thảo đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế pháp lý về đấu giá tài sản, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, ban soạn thảo cần nghiên cứu, thống nhất, đồng bộ các quy định liên quan như Luật đất đai, Luật chứng khoán, Luật tổ chức tín dụng; so sánh tính phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế có liên quan; giải thích rõ phạm vi tài sản công phải áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến; đồng thời, bảo đảm vật chất và nhân lực để quản lý và vận hành hệ thống đấu thầu quốc gia.

Tin Cùng Chuyên Mục