Đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh với nạn mua bán người
Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ IX thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012 đã đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
Trong những năm qua, dưới sự chung tay của các cấp, các ngành và của toàn xã hội, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã được ban hành đầy đủ; công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được triển khai đồng bộ, quyết liệt; nhiều đường dây mua bán người đã bị triệt phá; công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân được thực hiện nhanh chóng; công tác hợp tác quốc tế được tăng cường với nhiều hoạt động song phương, đa phương, trên nhiều diễn đàn trên thế giới và khu vực...
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ bất cập nhất định như một số quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay; chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội; một số quy định chưa thống nhất giữa các văn bản;.... Vì vậy, việc xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là cần thiết để thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người; đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh với nạn mua bán người cũng như công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người.
Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) điều chỉnh 5 nội dung: Phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua người; tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân; hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
Cần đánh giá chi tiết tác động của các chính sách
Phát biểu tại phiên họp, Đại diện Bộ Ngoại giao nhất trí cần quy định cụ thể tiêu chí xác định nạn nhân, tuy nhiên cần rà soát kỹ các tiêu chí xác định nạn nhân dựa trên các hành vi, phương thức mục đích mua bán người đã được quy định tại Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, đại diện Bộ Ngoại giao đề xuất ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu, lồng ghép các chính sách theo hướng “nâng cao chế độ hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”.
Đối với chính sách “Xây dựng cơ chế, chính sách để nâng cao chế độ hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân”, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị bổ sung đánh giá chi phí của Nhà nước, đánh giá thủ tục hành chính khi thực hiện. Đồng thời, đồng chí đề xuất giao nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân cho các cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm công tác xã hội tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân.
Cảm ơn ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định, đại diện Ban soạn thảo hứa sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trong thời gian tới.
Tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị ban soạn thảo làm rõ sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) tại Tờ trình; cập nhật dữ liệu mới, hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật. Đồng thời, Ban soạn thảo cần đánh giá chi tiết tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan về các mặt kinh tế, xã hội, vấn đề giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật; rà soát tính tương thích các quy định tại dự thảo Luật với các Điều ước quốc tế.