Ngày pháp luật

Hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

Theo Bộ Tư pháp

Ngày 28/3/2023, Chi bộ Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức sinh hoạt Chi bộ thường kỳ tháng 03/2023.

Buổi sinh hoạt có sự tham dự của đồng chí Cao Xuân Thủy – Phó Chánh  Văn phòng Đảng ủy Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng, Bí thư Chi bộ Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương - Thành viên Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cùng toàn thể Đảng viên của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế. Tại cuộc họp, chi bộ đã phổ biến, lấy ý kiến đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”.

Theo đó, thực hành kinh doanh có trách nhiệm được hiểu là việc thực hành các hoạt động kinh doanh trên cơ sở tuân thủ pháp luật và thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn bằng việc phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra vi phạm các tiêu chuẩn liên quan . 

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, việc xây dựng và triển khai Đề án “Ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” là cần thiết, nhằm giải quyết các yêu cầu của thực tiễn.

Đề án xác định các mục tiêu cụ thể như sau: 

(i) Nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; 

(ii) Đảm bảo Nhà nước ban hành chính sách và pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo đúng các cam kết quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; xây dựng các biện pháp ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm; 

(iii) Đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên mức quy định của pháp luật; qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững; 

(iv) Nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp ở Việt Nam, bao gồm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy việc tiếp cận các biện pháp khắc phục; 

(v) Hoàn thiện các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. 

Kết luận cuộc họp, Chi bộ thống nhất sự cần thiết xây dựng dự thảo Đề án và dự thảo của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu cụ thể nêu trên, Đề án tập trung vào các giải pháp nâng cao nhận thức, năng lực; hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật hiệu quả nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh của doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp và hợp tác xã) trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2023-2027 (tùy từng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sẽ có các mốc thời gian cụ thể).

Tin Cùng Chuyên Mục