Tại cuộc họp, đại diện Cục kiểm tra văn bản QPPL đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Tổ soạn thảo Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”.
Báo cáo dự thảo kế hoạch triển khai Đề án, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Nguyễn Duy Thắng cho biết kế hoạch xác định các nhiệm vụ bao gồm: Thành lập Tổ soạn thảo dự thảo Đề án; rà soát các văn bản, tài liệu, báo cáo của Bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học có liên quan đến công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; xây dựng, soạn thảo, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định ban hành Đề án; tổ chức các cuộc họp Tổ soạn thảo, các cơ quan, đơn vị có liên quan; tổ chức các Hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến phục vụ xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án; lấy ý kiến một số cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo, xây dựng Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo và xin ý kiến của Tổ trưởng Tổ soạn thảo, Lãnh đạo Bộ Tư pháp; báo cáo, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét hồ sơ dự thảo Quyết định ban hành Đề án và ký trình Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện Cục KTVB cũng cho biết, sau hơn 9 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ Pháp điển, đến nay, các Bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 263/271 đề mục, đạt tỷ lệ hơn 97% khối lượng Bộ pháp điển. Trong đó, 250/263 đề mục đã được Chính phủ phê duyệt thông qua.
Các đề mục còn lại đang được các Bộ, ngành quyết tâm thực hiện. Về cơ bản, Bộ Pháp điển đã “về đích sớm” hơn 1 năm so với thời hạn tại Quyết định 1267. Bộ pháp điển hiện nay được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được Bộ Tư pháp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, giới thiệu Bộ Pháp điển để các cá nhân, tổ chức sớm tiếp cận, khai thác và sử dụng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Pháp điển còn tồn tại những hạn chế như: còn nhiều điểm chưa hợp lý, khó khăn khi tra cứu, sử dụng; Bộ pháp điển chưa được đăng tải trên một trang thông tin pháp luật quốc gia cùng với các nguồn văn bản QPPL chính thức khác của Nhà nước; công tác phổ biến, tuyên truyền còn hạn chế…
Do vậy, mục tiêu chung mà Đề án hướng đến đó là nâng cao chất lượng và giá trị Bộ Pháp điển, hướng đến mục tiêu bảo đảm tính minh bạch, dễ tra cứu, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn khai thác và sử dụng Bộ pháp điển nhằm góp phần đưa Bộ Pháp điển sớm đi vào cuộc sống.
Để Bộ Pháp điển có “chất lượng tốt nhất” và phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng của các cá nhân, tổ chức, giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận với hệ thống pháp luật, Đề án đặt ra nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng Bộ Pháp điển theo thể chế hiện nay (rà soát, hoàn thiện cấu trúc đề mục trong Bộ Pháp điển bảo đảm tính khoa học, hợp lý; rà soát, khắc phục kỹ thuật pháp điển còn bất cập, hạn chế; kịp thời bổ sung đề mục mới vào Bộ Pháp điển; kịp thời cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển); Nâng cao chất lượng Bộ Pháp điển theo hướng đổi mới cách thức pháp điển; Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển.
Sau khi nghe các nội dung cơ bản của Đề án, thành viên Tổ soạn thảo Đề án đã góp ý đối với từng nhóm nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh để nâng cao chất lượng Bộ Pháp điển, cần nhận diện đầy đủ các khó khăn, vướng mắc thực tiễn sau gần 10 năm thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg bao gồm về mặt thể chế, vướng mắc về quy trình, thủ tục, thẩm quyền, phối hợp…
Trên cơ sở đó, Tổ soạn thảo cần xác định các giải pháp theo hướng tăng cường công nghệ thông tin và số hóa, trong đó giải pháp căn cơ là nâng cấp hệ thống thông tin về pháp điển. Cùng với đó cần tăng cường công tác phối hợp với các Bộ ngành để hoàn thành pháp điển các đề mục, nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp để xử lý trách nhiệm trong công tác này.
“Việc xây dựng và triển khai Đề án này có ý nghĩa rất lớn, nếu thực hiện được các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, chúng ta sẽ lan tỏa được giá trị của Bộ Pháp điển, mang lại sự tiện lợi, chính xác cho người dân trong tiếp cận hệ thống pháp luật”, Thứ trưởng khẳng định.