Ngày pháp luật

Hoãn phiên tòa xét xử vụ án chạy thận làm 9 người tử vong

T.Ninh (tổng hợp)

Do bị cáo Hoàng Công Lương và một số người tham gia xét xử vắng mặt nên HĐXX TAND TP Hòa Bình quyết định hoãn phiên tòa. Ngày 14/1 tới đây phiên tòa sẽ được mở lại.

Sáng nay (8/1), TAND TP Hòa Bình mở lại phiên xử sơ thẩm vụ án chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 9 người tử vong.

Các bị cáo gồm: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, trú tại phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh) và Hoàng Công Lương (SN 1986, nguyên Bác sĩ Khoa hồi sức tích cực – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) cùng bị đưa ra xét xử về tội “Vô ý làm chết người”.

Hoãn phiên tòa xét xử vụ án chạy thận làm 9 người tử vong - Ảnh 1
Toàn cảnh phiên tòa

Bị cáo Trần Văn Sơn (SN 1990), Trần Văn Thắng (SN 1965), đều trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu (SN 1962) – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình; Trương Qúy Dương (SN 1962) - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và Đỗ Anh Tuấn (SN 1976) – Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn cùng bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau phần kiểm tra căn cước, thư ký phiên tòa thông báo, bị cáo Hoàng Công Lương vắng mặt tại phiên tòa không có lý do. 

Tại phiên tòa, đại diện VKS TP Hòa Bình cho biết chị Đinh Thị Huyền Thư, vợ BS  Lương có đơn xin cho chồng xét xử vắng mặt. VKS đã xác minh, xác định bị cáo Lương vì lý do sức khỏe nên vắng mặt. 

Ngoài ra, VKS cũng cho rằng, do vắng mặt một số người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại tòa nên đề nghị hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

Luật sư Nguyễn Chiến (bảo vệ cho bị cáo Lương) cho rằng, thư ký công bố bị cáo Lương vắng mặt không có lý do là không hợp lý vì vợ bị cáo đã có đơn xin xem xét, bị cáo đang gặp lý do sức khỏe nên xin xét xử vắng mặt. Từ đó, luật sư Chiến cũng đề nghị hoãn phiên tòa.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa đến ngày 14/1 sẽ mở lại.

Theo tài liệu truy tố, tháng 9/2010, Trương Quý Dương ký hợp đồng với Đỗ Anh Tuấn về việc mua sắm thiết bị chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, tại Đơn nguyên thận của Bệnh viện Hòa Bình nơi bác sĩ Hoàng Công Lương làm việc không có kỹ sư hoặc kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng nước dùng cho lọc máu.

Tháng 4/2017, bị cáo Trần Văn Sơn phát hiện hệ thống lọc nước RO số 2 dùng trong chạy thận hỏng nên lập biên bản và được Trần Văn Thắng, Hoàng Công Lương ký nội dung cần sửa chữa.

Sau đó, Bệnh viện Hòa Bình đã liên hệ với Công ty Thiên Sơn, thuê doanh nghiệp này sửa chữa với giá gần 100 triệu đồng. Thế nhưng Công ty Thiên Sơn lại thuê Bùi Mạnh Quốc thi công với giá chỉ gần 50 triệu đồng.

Ngày 28/5/2017, Quốc sửa chữa, tẩy rửa màng lọc RO nhưng sơ ý để axit lẫn vào trong hệ thống. Tuy vậy, Quốc vẫn thông báo tới Trần Văn Sơn là việc sửa chữa đã xong nên Sơn báo lại cho điều dưỡng tại Đơn nguyên thận việc này.

Sáng hôm sau, Hoàng Công Lương nhận tin từ điều dưỡng về việc đã hoàn thành sửa chữa nên ra y lệnh tiến hành lọc máu cho 18 bệnh nhân và đã khiến 9 người trong số ấy tử vong.

Cũng theo cáo trạng, bác sĩ Hoàng Công Lương là người có chuyên môn, đã thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa hệ thống màng RO, hiểu việc sau khi sửa chữa phải kiểm tra chất lượng nước… Tuy nhiên, bị cáo này chỉ nghe điều dưỡng viên (người không có trách nhiệm) nói là đã sửa chữa xong và không kiểm tra thông tin trước khi ra y lệnh.

Tiếp đến, bị cáo Hoàng Đình Khiếu được xác định buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng hệ thống lọc nước RO sau khi sửa chữa được sử dụng luôn mà không có sự kiểm tra, xét nghiệm. Bị cáo Trương Quý Dương; Trần Văn Thắng cũng thiếu kiểm tra cấp dưới, không làm hết trách nhiệm tham mưu với cấp trên… góp phần vào hậu quả vụ án.

Sau cùng là bị cáo Đỗ Anh Tuấn, người chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề liên quan Công ty Thiên Sơn nhưng đã bỏ mặc Bùi Mạnh Quốc mua vật tư, sửa chữa hệ thống lọc nước phục vụ việc điều trị cho các bệnh nhân tại bệnh viện Hòa Bình.

Tin Cùng Chuyên Mục