Trên đây là phát biểu thẳng thắn của bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi) với đại diện Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất hồi cuối tháng 10/2019, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Vì sao dự án nhiều tỷ USD được quảng cáo “công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường” lại bị người dân và chính quyền địa phương phản ứng gay gắt như vậy? PLVN đã đến Quảng Ngãi tìm câu trả lời.
Bỏ nhà tha phương trốn ô nhiễm
Nhìn bản phối cảnh dự án mà Hòa Phát công bố trên website hoaphat.com.vn, người ta nhìn thấy một khung cảnh đẹp như mơ: Nhà máy ba mặt giáp những vùng đồng xanh mướt mát mênh mông, mặt phía Đông giáp biển. Mây lãng đãng bay trên bầu trời nhà máy, còn điểm xuyết những cánh chim trắng chao nghiêng vẻ bình yên.
Thực tế không như những gì Hòa Phát quảng cáo. Kể từ khi dự án rộng gần 400ha này (gấp hơn 20 lần sân vận động Mỹ Đình – Hà Nội) bắt đầu xây dựng từ đầu năm 2017 đến nay, theo thống kê của UBND xã Bình Đông và Bình Thuận, gần 3.000 nhân khẩu của hai xã này phải chịu đựng nạn ô nhiễm từ Hòa Phát – Dung Quất gây ra.
Toàn cảnh dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất
Trên lý thuyết, theo TCVN 4449:1987 kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD do Bộ Xây dựng ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng”, nhà máy dạng này phải bố trí cách xa khu dân cư ít nhất 1.000m. Nhưng trên thực tế, hiện nhiều nhà dân chỉ cách xa hàng rào Hòa Phát – Dung Quất vài mét.
Ở phía Nam dự án, cách nhà máy một bức tường là hàng trăm hộ dân thôn Đông Lỗ (xã Bình Thuận). Bà Nguyễn Thị Cẩm (74 tuổi, ngụ khu dân cư số 4) bức xúc: “Từ tháng 3/2017 Hòa Phát – Dung Quất bắt đầu thi công, tiếng ồn và bụi hành hạ dân từ đó. Đến tháng 4/2019, Hòa Phát gây ra những tiếng ồn lớn như tiếng máy bay phản lực cất cánh, có ngày gần chục lần, mỗi lần 15 - 20 phút.
Một cảnh xả khói tại Hòa Phát – Dung Quất (Hình do người dân cung cấp)
Có hôm 10h đêm họ vẫn còn làm ầm ầm, cả làng mất ngủ. Rồi bụi mù trời, giữa năm 2019 đoàn liên ngành tới đây xem, cầm nam châm rà giữa sân nhà dân hút được lượng mạt bột, chứng tỏ có bụi kim loại từ nhà máy ập vào khu dân cư”.
Gần đó ít bước chân, vợ chồng ông Huỳnh Viên (80 tuổi) và bà Đoàn Thị Dồi (82 tuổi) ngồi bó gối trong căn nhà nghiêng vì ảnh hưởng việc Hòa Phát – Dung Quất nổ mìn lấy đá.
Mấy hôm giữa tháng 11/2019 trời mưa, nước chảy vào các khe nứt khiến các bức tường càng thêm rệu rã, ông bà chỉ biết cầu trời mong nhà đừng sập. Bà Dồi liếc mắt như vẻ “ghen tị” với chồng: “Ông ấy bị điếc nên đêm ngủ vẫn ngon giấc, còn tôi nhiều đêm mất ngủ vì tiếng ồn nhà máy “tra tấn””.
Khổ sở bậc nhất vì Hòa Phát – Dung Quất trong thôn Đông Lỗ, có lẽ là thương binh Phạm Công Định (78 tuổi). Tuổi cao lại bị tai biến nhẹ, điều ông cần nhất ở cái tuổi này là sự yên tĩnh. Nhưng hai năm trở lại đây, ông Định thường xuyên “trốn nhà” vì tiếng ồn, bụi bặm Hòa Phát – Dung Quất gây ra. Nhiều khi “cực chẳng đã”, ông đạp xe lên bệnh viện nói khó với y, bác sĩ cho ông ở lại “trốn ô nhiễm” ít hôm.
Một cảnh khói bụi trong khuôn viên nhà máy Hòa Phát – Dung Quất
Trưởng thôn Võ Trình cho biết, ngoài ông Định, đến nay thôn đã có khoảng 40 hộ dân bỏ nhà mà đi vì không chịu đựng nổi Hòa Phát – Dung Quất. Tổng số hộ của thôn là 585, trong đó 335 hộ đã được kiểm đếm đền bù, thuộc diện tái định cư để nhường đất cho dự án này. Nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất là khu dân cư số 4 có tới 150 hộ.
“Từ khi có Nhà máy Thép Hòa Phát - Dung Quất, cuộc sống không còn được yên ổn. Nhà máy nằm sát nhà dân, khói thải ra liên tục. Vào ban đêm nếu đẹp trời, có thể thấy khói cao tới 4m, hiện tại đã có 3 ống khói đi vào hoạt động. Nhà máy lọc dầu ở vùng này chỉ 1 ống khói thải ra nhưng nghe nói Hòa Phát sẽ có hơn 10 cái, nếu chính thức đi vào hoạt động thì tôi lo ngại sự ô nhiễm của Nhà máy Thép này gây ra là vô địch”, ông Trình so sánh.
Nhà máy chưa di dời dân mà đã vận hành gây ô nhiễm, nên theo ông Trình, căng thẳng lên cao, từ tháng 8/2019 đến nay dân chúng đã nhiều lần kéo tới cổng nhà máy đề nghị giải quyết vấn đề. Mỗi lần như vậy, chính quyền xã, huyện lại phải đến hiện trường vận động, giải thích, xoa dịu giải tán đám đông.
Ông Trình than thở: “Có lẽ tôi là trưởng thôn bận bịu, vất vả bậc nhất cả nước. Cũng chỉ vì dự án thép này hết gây tiếng ồn, gây khói bụi, làm hư hỏng đường, lại chưa đền bù cho dân đã cho máy móc ngang nhiên san ủi, rồi xâm phạm mồ mả…”.
“Họ đúng là tai họa”
Ở phía Bắc nhà máy, vừa nghe khách nhắc đến cái tên Hòa Phát – Dung Quất, Trưởng thôn Nguyễn Hồng (SN 1949, khu dân cư số 4, xóm Bàu, thôn Đông Hy 2, xã Bình Đông) đã giận dữ khoát tay: “Họ đúng là tai họa”.
Trưởng thôn Nguyễn Hồng: “Hòa Phát về đây chỉ gây họa cho dân, chứ không có lợi ích gì hết”
Theo ông Hồng, hai năm nay dự án thi công không chỉ gây tiếng ồn, khói bụi, nổ mìn văng đá vào nhà dân, mà còn lập trạm trộn trái phép xả thải bẩn, gây ngập lụt hư hại tài sản nhà dân khu vực thôn ông. Ở thôn Tân Hy 2 có cánh đồng chung 40ha, ngoài chức năng là nơi canh tác còn là nơi tiêu nước trong khu vực. Hòa Phát đến, lấy một nửa cánh đồng, sau đó san lấp hệ thống kênh mương, khiến nửa cánh đồng còn lại mất cả chức năng canh tác lẫn thoát nước.
“Tôi ở đây hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải chịu cảnh ngập lụt như hồi năm 2018, nước dâng cả mét. Hòa Phát lấp hết, chừa các lỗ cống khoảng 80cm. Rồi trạm trộn bê tông Hòa Phát đổ bê tông dư ra bít lỗ cống khiến nước không có chỗ chảy mới gây ngập úng như vậy. Bữa ấy ngập lụt khiến đồ đạc trong nhà hỏng hết nhưng Hòa Phát không nói tiếng nào cả, không đền bù cái gì, gói mì tôm cũng không có, dân làm đơn trình báo cũng có giải quyết được gì đâu”.
“Sống cạnh Hòa Phát, nỗi khổ là mưa xuống nước ngập, nắng lên là bụi, tiếng ồn thì liên tục suốt ngày, suốt đêm. Họ còn cướp cơm của nông dân khi cho lấy hết nước thủy lợi của nông dân chảy về nhà máy để giải nhiệt cho máy. Nông dân bây giờ làm lúa không được, khi nào Hòa Phát bơm ra mới có nước, không bơm ra thì thôi. Hòa Phát về đây chỉ gây họa cho dân, chứ không có lợi ích gì hết”, vẫn lời vị Trưởng thôn.
Hòa Phát – Dung Quất nhìn từ một ngôi nhà hoang tại xã Bình Thuận
Bản thân gia đình ông Hồng cũng mất nghề vì Hòa Phát. Nhà ông xây hồ nuôi cá, nhưng từ khi dự án về gây nước ngập tràn bể như trên, phải bỏ. “Nhiều lần dân chúng tôi đã nghĩ đến câu chuyện “tức nước, vỡ bờ”, cũng tính lên cửa nhà máy chặn lại, chứ sống cảnh này cũng chết dần chết mòn. Không chết tức thì nhưng con cháu về sau cũng sống không nổi”, ông trầm tư.
Nỗi uất ức nhất của ông là không biết sẽ phải chịu đựng cảnh sống như vậy đến khi nào. Gia đình ông nằm trong diện 19 hộ tại xóm Bàu mà từ tỉnh đến huyện, xã chỉ định phải di dời, nhưng… Hòa Phát không chịu đền bù tái định cư.
“Nỗi khổ bây giờ là không biết phải sống cảnh này đến bao giờ, chúng tôi chỉ cần đền bù theo đúng quy định Nhà nước và tái định cư. Dù khó khăn, thiếu thốn một chút cũng được. Chúng tôi già rồi còn có thể chịu đựng, vài ba năm là chết. Nhưng sao để lớp trẻ, lớp con cháu sau này sống khổ sở như vậy? Chúng tôi đang bị dồn vào đường cùng, chưa có hướng nào để đi, sẽ chết dần chết mòn”, ông cho hay.
Vùng đất “có dớp lận đận”
Vì sao dự án nhiều tỷ đô lại gây ra những bức xúc như trên? Lẽ nào một “ông lớn” dám bỏ ra 52 ngàn tỷ đồng đầu tư vào dự án này lại không có vài chục tỷ để đền bù di dời dân khỏi vùng ảnh hưởng? Theo tìm hiểu của PLVN, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có phần lỗi từ “lịch sử để lại”, có phần nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp và cơ quan chức năng bỏ qua một số quy định pháp luật.
Vợ chồng cụ Dồi bên bức tường bị nứt vì Hòa Phát cho nổ mìn lấy đá
Tiền thân của khu đất hàng trăm ha mà Hòa Phát – Dung Quất “tiếp quản”, cũng là một dự án thép tỷ đô đã bị Quảng Ngãi thu hồi giấy phép. Năm 2006, Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đăng ký đầu tư dự án với số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ đô, được Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất giải tỏa, bàn giao hơn 330ha đất.
Hai năm sau, dự án hợp tác với Công ty TNHH Guang Lian (Quảng Liên) Steel Việt Nam, vốn điều chỉnh lên trên 3,3 tỷ đô. Đầu năm 2012, Công ty lại liên danh với một tập đoàn của Nhật, nâng vốn đầu tư dự án lên 4,5 tỷ đô nhưng sau đó Tập đoàn này rút khỏi dự án.
Theo báo cáo của Quảng Liên, đến tháng 9/2014 Công ty đã đầu tư 42 triệu đô vào dự án. Sau khi Tập đoàn của Nhật rút lui, Công ty tiếp tục kiến nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giảm vốn từ 4,5 tỷ xuống còn 2 tỷ đô. Sau đó đầu năm 2017 Hòa Phát nhận lại diện tích đất này, đầu tư xây dựng dự án Hòa Phát – Dung Quất.
“Mớ bòng bong” cũng bắt đầu khởi phát từ đây, khi đến nay vẫn còn một số hộ dân phản ánh chuyện chính quyền đã thu hồi đất giao Quảng Liên, nhưng Quảng Liên chưa bồi thường và nay Hòa Phát – Dung Quất tiếp nhận đất đó, nhưng lại không tiếp nhận trách nhiệm bồi thường cho dân.
Thương binh Phạm Công Định thường xuyên phải “trốn” nhà tránh ô nhiễm do Hòa Phát – Dung Quất gây ra
Thực hiện dự án kiểu “da beo”, vội vàng, không tuân thủ quy định pháp luật, nên mới có chuyện hàng ngàn dân phải tái định cư nhưng… chưa biết tái định cư đi đâu. Chưa hết, tính pháp lý, tính minh bạch của dự án còn bị chính người dân và cán bộ địa phương, một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoài nghi.