Thực đơn hiện tại của một nhà hàng 2 tầng, sang trọng trước đây chuyên phục vụ khách nước ngoài ngồi ngoài ngắm hoàng hôn bên sông Hoài giờ giảm còn 18 món, trong đó quá nửa là đồ ăn bản địa như cơm gà, cao lầu, bánh ướt, bún thịt nướng... giá từ vài chục nghìn đồng.
"Nhà hàng không còn nhập những nguyên liệu đắt hay thịt bò làm bít tết nữa. Đồ Âu chỉ còn những món đơn giản như mỳ Ý, hamberger", nhân viên phục vụ của nhà hàng này trả lời khi khách muốn gọi món để uống cùng rượu vang.
Với các khách sạn, homestay, lượng khách nội địa dần trở lại Hội An cũng mới chỉ giúp cải thiện tình hình kinh doanh dịp cuối tuần. Nhân viên lễ tân của Volar Homestay ở Phan Đình Phùng chia sẻ, từ sau Tết khách đã đông hơn, những cuối tuần gần đây tỷ lệ lấp đầy khoảng 90% nhưng trong tuần thì chỉ được 2-4 phòng. Trước dịch, homestay này ngày nào gần như cũng kín khách Tây.
Tuy vậy, homestay này vẫn may mắn hơn những khách sạn quy mô lớn gần đó. Đối diện Volar Homestay là một khách sạn 3 sao với quy mô khoảng 40 phòng đã đóng cửa từ cuối năm ngoái vì lượng khách ít không đủ bù đắp chi phí vận hành. Khách sạn này thi thoảng chỉ sáng đèn 2-3 ngày cuối tuần khi có khách đoàn.
Lai, nhân viên dọn dẹp phòng duy nhất còn lại tại Cozy Savvy, 14 đồng nghiệp của chị đã nghỉ việc. Ảnh: Phương Ánh.
Lai - người làm buồng duy nhất tại khách sạn Cozy Savvy, cách phố cổ 1 km cho biết, cô là người duy nhất ở bộ phận này còn trụ lại đây. Năm ngoái, khách sạn này đã đóng cửa hai lần vì dịch kéo theo lượng nhân viên giảm dần, đến nay chỉ còn 1 người cho mỗi bộ phận.
"Giờ tụi em chỉ phục vụ vài phòng vào những ngày cuối tuần. Nhưng như em vẫn còn may, mấy đứa bạn giờ chỉ làm chục ngày trong tháng, lương khoảng 1.500.000 đồng", Lai cho hay.
Không phải trả tiền mặt bằng hay lương nhân viên, ông Nhật Ánh, lái đò trên sông Hoài cũng ngày càng thấy sự tác động rõ rệt của dịch bệnh. "Có những ngày không được chuyến nào. Từ 40.000-50.000 đồng một khách hồi trước, giờ tôi chỉ lấy 10.000 đồng mà may ra cuối tuần mới được vài chuyến đò", ông Ánh nói và thông tin thêm rằng 20% trên tổng số 140 đò ở khu vực này vẫn dừng hoạt động vì vắng khách.
Nhiều người chèo đò như ông Ánh trước làm nông, đến khi Hội An phát triển du lịch, thì chuyển sang làm dịch vụ. "Giờ dịch bệnh, muốn hay không chúng tôi cũng chỉ có cách phải bám trụ lại với hy vọng du lịch sớm được phục hồi", ông tâm sự.
Một khách sạn ở Phan Đình Phùng, Hội An không có một phòng nào sáng đèn tối Chủ nhật. Ảnh: Anh Tú
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả năm 2020 doanh thu từ du lịch lữ hành của Quảng Nam giảm gần 80% so với năm 2019 và là một trong những địa phương có mức giảm mạnh nhất cả nước.
Hiện tại, lãnh đạo tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để kích cầu du lịch, trong đó cũng có bàn bạc, tính đến phương án đón khách quốc tế bằng các chuyến bay charter (những chuyến bay có lịch trình khởi hành riêng, không tùy thuộc vào lịch bay cố định của hãng) trọn gói từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Link bài gốc