Đây là nhận định của Công ty Chứng khoán SSI trong báo cáo phân tích triển vọng ngành hàng không trong năm 2021. Theo đơn vị này đánh giá, triển vọng ngành này năm 2021 tương đối ảm đạm khi biến thể của chủng Covid-19 mới nhất ở Anh cùng với sự bùng phát trở lại ở các quốc gia. Hàng không chỉ có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2021 khi các vaccine được phê duyệt.
Theo kịch bản cơ sở của đơn vị này, ước tính ngành hàng không sẽ ghi nhận mức lỗ bằng khoảng một nửa của năm 2020 tại công ty mẹ và sản lượng hành khách trong nước phục hồi lên mức năm 2019 (75 triệu hành khách). Lượng hành khách quốc tế dự kiến sẽ ở mức thấp 12 triệu khách (đạt khoảng 34% mức trước dịch Covid-19).
"Chúng tôi cho rằng triển vọng của ngành chắc chắn sẽ được cải thiện khi vaccine được sử dụng trên quy mô lớn. Điều này có thể chỉ xảy ra từ nửa cuối năm 2021", nhóm phân tích của SSI nhận định.
Nhóm phân tích này cho rằng, thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là trọng tâm của các hãng hàng không trong năm 2021, do các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm. Thị trường quốc tế sẽ phục hồi thực sự từ năm 2022 đó mới là thời điểm để các hãng nghĩ tới việc thúc đẩy tăng trưởng.
"Trong năm 2021, chiến lược của các hãng hàng không có thể sẽ tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách", bộ phận nghiên cứu của SSI (SSI Research) lý giải.
Theo báo cáo, ngành hàng không là ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, với tổng số chuyến bay do 3 hãng hàng không trong nước khai thác (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways) giảm 38% so với cùng kỳ trong năm 2019, đạt 337.000 chuyến bay trong năm 2020. Sang năm 2021, với sự góp mặt của tân binh Vietravel Airlines và sự gia tăng công suất từ Bamboo Airways, cạnh tranh tiếp tục được đẩy lên cao trong thị trường này.
Cụ thể, năm 2020, Bamboo Airways tăng thị phần (dựa trên số chuyến bay khai thác) lên 13% (từ 5,9% trong năm 2019) bằng cách tăng nhanh đội bay thông qua hình thức thuê ướt tàu bay (thời hạn chủ động) vào cuối năm 2019. Trong khi đó, hãng hàng không Viettravel Airlines cũng được chấp thuận hoạt động từ tháng 1/2021, với ba máy bay thân hẹp ban đầu cho thị trường nội địa.
Khi số lượng hãng hàng không tăng gấp đôi trong ba năm qua (2019-2021) cùng với nhu cầu thấp hơn, SSI Research nhận thấy áp lực rất lớn đối với các hãng hàng không về giá cả, lợi nhuận, dòng tiền...
Việc đóng cửa đường bay quốc tế từ tháng 3/2020 (thời điểm dịch bùng phát tại Việt Nam) đã đẩy các hãng hàng không Việt Nam và tình thế ngặt nghèo và buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường nội địa. Khi thị trường hẹp lại, hãng bay tăng lên sẽ khiến cho sự phục hồi trở nên khó khăn hơn.
Những yếu tố rủi ro trong năm tới cũng được nhóm phân tích của SSI lưu ý. Trong đó, giá dầu tăng trong năm 2021 cho thấy rủi ro không hề nhỏ đối với các hãng hàng không trong nước. Do dư cung máy bay cộng với việc thiếu các chuyến bay quốc tế sẽ buộc các hãng tập trung máy bay thị trường nội địa làm giá vé giảm dẫn đến giới hạn lợi suất tiềm năng. Vì vậy, bất kỳ đợt tăng giá dầu nào cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hãng hàng không.
Ngoài ra, chuyên gia phân tích cũng khuyến nghị các hãng hàng không cũng phải tính đến những rủi ro khách quan từ các chính sách quốc tế. Cụ thể, các nhà chức trách Mỹ cho rằng, ngay cả sau khi tiêm chủng, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và các hành động phòng ngừa khác có thể vẫn là điều cần thiết. Do đó, những chính sách này đối với Mỹ và các quốc gia khác có thể sẽ làm giảm nhu cầu đi đến các quốc gia này.
Với nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu, có thể phải mất hơn một năm mới có khả năng miễn dịch cộng đồng. Chính vì những lý do nêu trên, các hãng hàng không vẫn gặp khó khăn với nhu cầu thấp về đi lại và các hạn chế về đường biên giới sau năm 2021.
Link bài gốc