Ngày pháp luật

Hà Nội dự kiến phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng vào tháng 6

Thay vì trước đây sông Hồng luôn được coi là ranh giới của vùng ven và vùng nội đô, quy hoạch này sẽ đặt sông Hồng chảy vào tâm của TP Hà Nội.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa họp bàn để tháo gỡ các vướng mắc tại quy hoạch phân khu sông Hồng dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ. Quy hoạch đồ án đang được các đơn vị thành phố nghiên cứu, hoàn thiện và dự kiến được phê duyệt vào tháng 6/2021.

Cụ thể, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Diện tích bao phủ khoảng 11.000 ha thuộc địa bàn của 13 quận, huyện, dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người. 

Hà Nội dự kiến phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng vào tháng 6/2021.
Hà Nội dự kiến phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng vào tháng 6/2021.

Theo đại diện UBND TP, đồ án nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa đồng thời cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng. 

So với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án nêu trên rất khác biệt do thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen.

"Thay vì trước đây sông Hồng luôn được coi là ranh giới của vùng ven và vùng nội đô, quy hoạch này sẽ đặt sông Hồng chảy vào tâm của TP Hà Nội", đại diện UBND TP cho biết.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đặt mục tiêu phát triển phía bắc sông Hồng phải hiện đại, thân thiện như phía nam sông Hồng, từ đó có điều kiện về hạ tầng, cơ sở, để thu hút dân cư trong khu vực nội đô lịch sử, khu vực phía nam sông Hồng.

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, trước đây  mọi người nói Hà Nội "quay lưng" vào sông Hồng, nhưng với quy hoạch này, Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển. 

Trả lời câu hỏi của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ về việc thành phố sẽ kế thừa, tiếp thu quy hoạch sông Hồng được phía Hàn Quốc xây dựng cho Hà Nội trước đây thế nào, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn  khẳng định Hà Nội sẽ không đi theo hướng xây dựng của Hàn Quốc giống như quy hoạch tại Seoul.

Cụ thể, thành phố sẽ không xây dựng khu đô thị cao tầng trong lòng sông Hồng mà làm theo hướng hài hòa hơn giữa 2 khu vực là phía bắc và phía nam sông Hồng. Trong 11.000 ha đất được quy hoạch của đồ án, 30% sẽ là diện tích mặt nước, phần đất khai thác đô thị trong đồ án xác định khoảng 2.000 ha. TP Hà Nội sẽ tiếp tục tính toán trong thời gian tới, nhưng khoảng 2.000 ha đã đủ đáp ứng các điều kiện cân bằng, hiệu quả kinh tế cho khu vực này.

Từ năm 1954 đến nay, có 7 lần quy hoạch chung thủ đô đã được ban hành, mỗi lần đều đề cập đến quy hoạch không gian sông Hồng. Năm 2012, UBND TP đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Tuy nhiên gần 10 năm qua, Hà Nội vẫn chưa có được quy hoạch này dù có khoảng 20 đề án, dự án quy hoạch của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

“Đồ án lần này được các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch mà Thành ủy Hà Nội đánh giá là tốt nhất từ trước đến nay cũng như đảm bảo việc đủ điều kiện để được phê duyệt, thông qua”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ.

Dự kiến, sau khi thống nhất với Bộ Xây dựng về tiêu chuẩn, tiêu chí và ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố sẽ phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào khoảng tháng 6 tới. 

Tin Cùng Chuyên Mục