Ngày pháp luật

Gọi vốn ở Phố Wall chưa bao giờ khó khăn như vậy trong 10 năm qua

Như Quỳnh

Các hoạt động tài chính ở Phố Wall được dự đoán sẽ bước vào giai đoạn ngủ đông, ít nhất là cho tới mùa hè năm 2023. 

Phố Wall đang trải qua những chuỗi ngày yên tĩnh đến mức bất thường. 

Công ty Mỹ cần hàng trăm tỷ USD để trang trải chi phí lãi vay

Mùa thu thường là một trong những thời điểm bận rộn nhất trong năm của ngành tài chính nhưng các hoạt động IPO, tăng nợ hay sáp nhập đều chậm lại trong vài tuần gần đây. Theo WSJ, nguồn cung tiền mặt thúc đẩy hoạt động tài chính đang "bốc hơi" và xu hướng suy thoái có khả năng tiếp diễn. 

Thị trường đình trệ vì giá tiền đi vay tăng vọt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lạm phát. Chính sách mới đang gây khó cho các công ty Mỹ - những người đang gánh "núi nợ" lên đến hơn 10.000 tỷ USD, phần lớn khoản nợ được vay trong thập kỷ vừa rồi - thời điểm Fed giữ lãi suất gần bằng 0.  

Hoạt động thị trường vốn ở Phố Wall trong tháng 10. Nguồn: Dealogic.
Hoạt động thị trường vốn ở Phố Wall trong tháng 10. Nguồn: Dealogic.

Các công ty Bắc Mỹ sẽ phải chi ít nhất 155 tỷ USD trong năm 2022 và 2023 để trang trải chi phí lãi vay ngày càng tăng, dựa trên dữ liệu từ Fitch Ratings. Chi phí lãi còn có thể tăng trong nhiều năm nữa nếu lạm phát vẫn ở mức cao. Stephan Feldgoise, đồng trưởng nhóm mua bán và sáp nhập tại Goldman Sachs cho biết các doanh nghiệp ở Mỹ đang theo dõi chính sách của Fed gắt gao hơn bao giờ hết. 

Trong báo cáo công bố đầu tháng 11, Ford Motor (giá trị thị trường 53 tỷ USD) ghi nhận doanh số bán hàng cao hơn. Tuy nhiên Marion Harris, người đứng đầu bộ phận cho vay của Ford tiết lộ “chi phí đi vay cao hơn”, khiến họ phải cắt giảm 10% dự đoán thu nhập trong năm 2022. 

Ford cũng đang gặp khó vì bão lãi suất. Ảnh: Getty Images.
Ford cũng đang gặp khó vì bão lãi suất. Ảnh: Getty Images.

Chuỗi bệnh viện Community Health Systems đã mua lại 267 triệu USD trái phiếu gần đây, nhưng thu nhập hiện tại không đủ để họ trang trải khoản nợ 12 tỷ USD. CFO Kevin Hammons chia sẻ: "Lạm phát tiền lương và giá thuê lao động hợp đồng tăng cao tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu suất tại công ty". Trái phiếu Community Health Systems đã giảm khoảng 35% kể từ tháng 9 xuống còn 42 cent, cho thấy tình hình tài chính bấp bênh của chuỗi. 

Ở chiều ngược lại, một số công ty lại tận dụng cơ hội để gia tăng tài sản. 

John Zito, đối tác tại Apollo Global Management tiết lộ công ty đã chi hơn 1 tỷ USD trong tháng 10 để mua lại các khoản nợ. Trước đó trong quý III, Apollo Global Management cũng đã mua 6 tỷ USD trái phiếu, các khoản vay "rác" có bảo đảm từ các công ty như Royal Caribbean Group, Carnival Corp. và Citrix Systems. Phần lớn các khoản nợ đã giảm khoảng 10% giá trị, nhưng ông Zito tin rằng ngay cả khi chúng tiếp tục giảm thì vẫn mang lại lợi nhuận về lâu dài. 

Hoạt động tài chính giảm mạnh

Lãi suất tăng nhanh đang kìm hãm các ngành phụ thuộc vào nợ rẻ để phát triển, chẳng hạn như bất động sản và tài chính. Fed hy vọng rằng hai ngành này sụt giảm sẽ giúp đẩy nguồn vốn sang các ngành kinh tế thực, đồng thời giảm giá nhà. 

Các thương vụ mua bán và sáp nhập ở Mỹ đạt tổng giá trị 219 tỷ USD trong tháng 9 và tháng 10, giảm khoảng 43% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Dealogic. Các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng đã giảm xuống còn 1,6 tỷ USD vào tháng 10, giảm 95% so với một năm trước đó và là mức thấp nhất trong tháng kể từ năm 2011.

Ít giao dịch hơn đồng nghĩa với việc các ngân hàng đầu tư có ít nguồn thu từ cung cấp dịch vụ hơn. Nợ khoản vay được thế chấp (CLO) giảm mạnh 97% so với mức của năm ngoái xuống còn 1,3 tỷ USD, một phần do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính Vương quốc Anh.

Nhiều ngân hàng Mỹ cũng không thể bán lại các khoản vay có đòn bẩy cho các nhà quản lý quỹ, khiến họ phải buộc giữ số nợ xấu lên đến 45 tỷ USD. Giá nợ giảm khi lãi suất tăng và các ngân hàng đã phải xóa nợ, dẫn đến thiệt hại hàng tỷ USD trên giấy tờ. 

Thực tế mới đang khiến các công ty và nhà đầu tư chật vật. Từ việc tài trợ cho các thương vụ M&A với giá kỷ lục, họ chuyển sang tranh giành nhau để tăng nợ với bất kỳ giá nào. 

"Điều sẽ xảy ra với những khoản đầu tư (định giá cao) được thực hiện trong 2 năm qua là thứ tôi lo lắng nhất",  Andrea Auerbach, quản lý tại công ty tư vấn Cambridge Associates nhận định. 

Một ví dụ là Enjoy Technology, nhà bán lẻ trực tuyến do Ron Johnson, cựu nhân viên bán hàng hàng đầu tại Apple điều hành đã lên sàn vào tháng 10/2021 thông qua SPAC. Enjoy Technology đã lên kế hoạch tự tài trợ bằng việc tăng vốn nhưng đến tháng 6 lại nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì gặp khó khăn trong việc tìm nhà đầu tư. 

Sự suy thoái của Phố Wall có thể tạo ra một chu kỳ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 10.000 tỷ USD. Ảnh: Associated Press
Sự suy thoái của Phố Wall có thể tạo ra một chu kỳ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 10.000 tỷ USD. Ảnh: Associated Press

Hay Citrix Systems, công ty điện toán đám mây được một nhóm nhà đầu tư mua bằng tiền đi vay với giá 16,5 tỷ USD vào tháng 9. Theo WSJ, đến nay các ngân hàng đã lỗ ít nhất 500 triệu USD khi bán các khoản vay ở Citrix Systems và công ty cũng nằm trong diện những người đi vay rủi ro nhất của Fitch.

Danh sách các giao dịch đòn bẩy thua lỗ đang kéo dài mỗi ngày, bao gồm 13 tỷ USD ủng hộ Elon Musk mua lại Twitter, 6 tỷ USD cho Apollo tiếp quản nhà sản xuất phụ tùng ô tô Tenneco, 8 tỷ USD khác cho một nhóm công ty cổ phần tư nhân tiếp quản hãng truyền thông Nielsen Holdings. 

Hoạt động M&A bước vào giai đoạn "ngủ đông"

Các thương vụ M&A sẽ còn chậm lại cho đến ít nhất là mùa hè 2023 hoặc lâu hơn, theo WSJ. Việc Phố Wall suy yếu cũng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, tạo nên nguy cơ về một chu kỳ vỡ nợ kéo dài. 

Giám đốc điều hành Marathon Asset Management, Bruce Richards cho biết: 

"Chu kỳ vỡ nợ có thể sẽ kéo dài hơn so với các đợt thắt chặt tín dụng trước đó vì lạm phát sẽ khiến Fed không thể cắt giảm lãi suất để xoa dịu nỗi đau kinh tế như đã làm trong năm 2009 và 2020. Các khoản thanh toán nợ lặt vặt đang tăng lên và nợ không trả được có thể tăng lên 500 tỷ USD, vượt xa mức đỉnh 200 tỷ USD vào năm 2008 và 2009 vì hiện tại có quá nhiều nợ chưa trả. Chúng tôi tin rằng 'chu kỳ đau khổ' sẽ xuất hiện 2023, chúng tôi tin rằng mùa đông đang đến."

Tin Cùng Chuyên Mục