Ngày pháp luật

Gỗ, may mặc "khó chồng khó" ở thị trường Mỹ

Theo Doanh nhân Sài Gòn Online

Các doanh nghiệp gỗ và may mặc xuất khẩu vào thị trường Mỹ vốn đã khó nay càng thêm khó khi tác động tiêu cực từ dịch bệnh chưa dứt lại phải đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước này.

Quá nhiều thách thức

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2020 ngành dệt may đứng trước 3 thách thức lớn. Đó là sự chuyển dịch tiêu dùng của các nước nhập khẩu lớn, kể cả Mỹ. 

Đặc biệt, các mặt hàng veston, áo sơ mi, đặc biệt sản phẩm có giá trị gia tăng cao đều giảm sâu, đến 80%. Hàng loạt nhà máy sản xuất phải đóng cửa chuyển sang sản xuất đồ thun, đồ thể thao, đồ mặc trong nhà. Tuy nhiên, khi chuyển sang một mặt hàng khác, phải thay đổi công nghệ, tốn chi phí đầu tư không hề nhỏ.

Gỗ, may mặc "khó chồng khó" ở thị trường Mỹ - Ảnh 1

Bên cạnh đó, phương thức thanh toán cũng là trở ngại cho doanh nghiệp. Trước đây, nhà nhập khẩu thường trả tiền trước khi giao hàng. Nhưng kể từ quý I/2020 đến nay, họ ra điều kiện trả chậm từ 3 đến 6 tháng, thậm chí có khách yêu cầu 9 tháng, hoặc xù nợ vì phá sản. 

“Đến giờ, các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn còn nợ doanh nghiệp trong nước hơn 58 triệu USD, và con số này chưa phải là cuối cùng khi mà nhiều doanh nghiệp Mỹ đang đối diện với tình trạng phá sản”, ông Vũ Đức Giang cho biết.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện đang đối diện với cáo buộc bán phá từ Mỹ. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi dún polyester (PTY - được sử dụng chủ yếu trong dệt kim và dệt thoi để tạo ra vải làm quần áo, đồ trang trí nội thất, bao ghế ngồi, túi và nhiều ứng dụng khác) nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Biên độ bán phá giá cáo buộc của hàng Việt Nam lên đến 54,13%.

Ba năm qua (từ 2017-2019), kim ngạch xuất khẩu PTY của Việt Nam sang Mỹ lần lượt là 490.000 USD, 778.000  và 4,5 triệu USD. Việc xuất khẩu tăng dần qua từng năm, và tăng gấp 10 lần trong năm 2019 là nguyên nhân chính khiến Mỹ đưa ra quyết định điều tra nói trên. Giai đoạn điều tra là từ ngày 1/4/2020 - 30/9/2020 và dự kiến sẽ ban hành kết luận điều tra sơ bộ mạnh nhất vào tháng 4/2020.

Các doanh nghiệp gỗ cũng đang chịu áp lực lớn từ thị trường này. Trong tháng 9/2020, DOC đã khởi xướng điều tra bán phá giá đối với ván dán của Việt Nam. 

Ngành gỗ đang gặp khó tại thị trường Mỹ
Ngành gỗ đang gặp khó tại thị trường Mỹ

Một trong những lý do “gỗ Việt” bị “để ý” vì tỷ trọng xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam với Mỹ đang chênh lệch quá lớn. Chín tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 8,38 tỷ USD, tăng 11,2 so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, thị trường Mỹ chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngược lại, cùng thời gian này, các doanh nghiệp trong nước chỉ nhập từ Mỹ về Việt Nam lượng gỗ trị giá khoảng 229 triệu USD. Trước đó, năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ từ thị trường Mỹ cũng chỉ đạt  300 triệu USD.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho biết, bản thân ông cũng được đại sứ Mỹ tại Việt Nam chất vấn về con số "vênh" quá lớn này. Vấn đề này được lý giải: nguyên liệu gỗ của Mỹ nhập về Việt Nam để sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ngược lại Mỹ và phục vụ trong chính nội địa.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng Covid-19, nguồn tiêu thụ lớn trong nước đến từ các cụm nghỉ dưỡng khách sạn bị sụt giảm khiến kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Mỹ về Việt Nam giảm theo.  

Tăng trưởng trong khó khăn

Theo TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, những khó khăn mà doanh nghiệp Dệt may hay doanh nghiệp gỗ đang gặp cũng là những khó khăn chung của các doanh nghiệp trên khắp thế giới phải gánh chịu do đại dịch Covid-19.

Khảo sát của Liên đoàn các nhà sản xuất thiết bị và hàng hoá dệt may các nước Đông Nam Á (AFTEX) cũng dự báo về khả năng suy giảm 25% tổng cầu năm 2020 toàn thế giới.

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Terence Alford - Giám đốc Phòng Thị trường Vốn và Dịch vụ Đầu tư Colliers International tại Việt Nam mới đây cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh cộng với các biện pháp phòng vệ thương mại từ Mỹ, tình hình không phải thuận lợi hoàn toàn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Dù rất khó nhưng ngành dệt may vẫn kỳ vọng đạt kim ngạch xuất đạt 35,3 tỷ USD trong năm nay
Dù rất khó nhưng ngành dệt may vẫn kỳ vọng đạt kim ngạch xuất đạt 35,3 tỷ USD trong năm nay

Phó chủ tịch HAWA Nguyễn Chánh Phương nói xuất khẩu gỗ sang Mỹ với mức tăng trưởng 30% mỗi năm. Mỹ vẫn chiếm 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.

Trong tháng 12 tới, HAWA sẽ hợp tác tốt với Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Mỹ tổ chức hai hội thảo để hỗ trợ các nhà xuất khẩu Việt Nam thông tin về gỗ cứng Mỹ, thị hiếu tiêu dùng gỗ trên thế giới. HAVA cũng sẽ tổ chức một bàn tròn gồm các nhà xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy tiêu thụ gỗ cứng Mỹ tại Việt Nam.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp với thị trường Mỹ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đang kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu nhập khẩu từ Mỹ các hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu. 

“Nói cách khác, sản xuất và xuất khẩu đi Mỹ bằng chính công nghệ và nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước này gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bước đi chắc chắn, nhanh và hiệu quả nhất cho doanh nghiệp Việt”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Ông Vũ Đức Giang cho rằng, dù thách thức nhưng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể đạt 35,3 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu và là thị trường chiến lược của ngành dệt may Việt Nam. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục