Katie McNaughton - chủ một cửa hàng thời trang theo phong cách cổ điển ở London - cho biết ngày càng nhiều người tham gia vào cuộc đua đầu tư quần áo, túi xách, giày dép hàng hiệu khiến nhu cầu đối với những món đồ cổ điển tăng vọt. Họ hy vọng giá trị của những món đồ này sẽ tiếp tục tăng và chúng có thể trở thành khoản đầu tư hấp dẫn.
“Đầu tư một chiếc túi Chanel cổ điển giống như mở tài khoản tiết kiệm. Giá trị của nó đã tăng thêm 12% vào năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục tăng", McNaughton cho biết.
Năm ngoái, túi xách Hermès, giày thể thao Nike, giày Chanel và đồng hồ Patek Philippe đều là những sản phẩm nằm trong top bán chạy nhất tại các hãng đấu giá đình đám ở Trung Quốc như Sotheby’s, Christie’s và Phillips.
Tháng 12/2020, Christie’s Hong Kong từng gây xôn xao khi lập kỷ lục đấu giá một chiếc túi Hermès Himalaya Kelly với giá bán khoảng 437.330 USD (khoảng 10 tỷ đồng) cho một khách hàng Trung Quốc trẻ tuổi. Đây được xem là một bước phát triển mới trong ngành công nghiệp thời trang.
Theo McNaughton, túi xách hàng hiệu là món đồ phổ biến nhất tại các cuộc đấu giá và cũng là mặt hàng cô đang tập trung kinh doanh. McNaughton luôn khuyên khách hàng của mình hãy lựa chọn đầu tư những mẫu túi cổ điển của các thương hiệu lớn như Chanel hoặc Hermès bởi đây là kênh đầu tư chắc chắn và an toàn lại kiếm được lợi nhuận cao. Bottega Veneta cũng là một thương hiệu nên cân nhắc với những món đồ độc lạ của họ.
"Tương tự, túi yên ngựa của Dior được ra mắt vào những năm 1990 đột nhiên hot trở lại trong các cuộc đấu giá. Dự đoán của tôi cho năm tới có thể là túi bánh mỳ Fendi", McNaughton cho biết.
Trước tình hình đại dịch Covid-19, việc đấu giá trực tuyến các mặt hàng thời trang cổ điện càng trở nên phổ biến và được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng, đặc biệt là người trẻ. Khi nhu cầu sở hữu một chiếc túi hoặc đôi giày hàng hiệu ngày càng cao, việc sắm những mặt hàng thiết kế cũ được xem là một hình thức đầu tư thông minh. Theo SCMP, số lượng khách hàng Trung Quốc tham gia đấu giá trực tuyến mặt hàng thời trang xa xỉ đã tăng gấp ba lần trong năm 2020.
“Khách hàng hiện muốn có trải nghiệm trực tuyến tốt nhất và sản phẩm được giao đến càng nhanh càng tốt. Đối với Sotheby’s, trực tuyến hiện là nền tảng ưu tiên cho phần lớn các hoạt động đấu giá", Josh Pullan, giám đốc điều hành của sàn đấu giá Sotheby’s cho biết.
Nhu cầu đối với những chiếc túi cổ điển một phần do tính bền vững đang được đẩy mạnh và khuyến khích trong ngành công nghiệp thời trang. Thực tế, nhiều nhà thiết kế cũng thường xuyên xem lại bộ sưu tập của họ trước khi tạo ra những thiết kế mới. Điều này khiến những sản phẩm mới vẫn mang hơi thở từ thiết kế cũ và món đồ cổ điển được nhớ đến và trở nên có giá trị hơn.
Xu hướng này ngày càng được thúc đẩy trong thời dịch do yêu cầu của khách hàng về các sản phẩm xa xỉ cần có tính cá nhân cao, đặc biệt coi trọng yếu tố lịch sử và xuất xứ của chúng. Do đó cách nhanh nhất để sở hữu các mặt hàng quý hiếm này đó là thông qua các cuộc đấu giá.
Để những món đồ cổ trở nên hấp dẫn và thu hút khách hàng trẻ, các hãng đấu giá đã tận dụng sức ảnh hướng của các KOLs ở Trung Quốc và thuê họ quảng cáo cho các sản phẩm của mình. Mới đây sàn Christie’s đã công bố đợt bán túi xách Hermès và Chanel trực tuyến thông qua một KOL nổi tiếng trên nền tảng Little Red Book, tương tự sàn Sotheby’s cũng thuê một KOL để quảng cáo cho đợt mở bán đồ trang sức sắp tới của hãng.
Những KOLs này sẽ kể một số câu chuyện hấp dẫn liên quan đến mặt hàng để thu hút sự chú ý của công chúng. Tao Liang chính là một trong những người làm công việc trên bởi anh am hiểu rất rõ về túi xách và trang sức của các hãng xa xỉ trên thế giới.
Liang có hơn bảy triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Gần đây, anh đã đăng video về việc tham gia đấu giá 3 chiếc túi khác nhau và giành được một chiếc túi Hermès Birkin màu xám nhạt với giá hơn 10.000 đô la Mỹ. Điều này đã thu hút rất nhiều người quan tâm trên trang Instagram Mr Bags nổi tiếng của Liang. Từ đó nhiều khách hàng khác sẽ có xu hướng làm theo và biến các buổi đấu giá trực tuyến của họ thành một câu chuyện thu hút trên mạng xã hội, thậm chí kiếm tiền từ nó.
Ngoài túi xách, đồng hồ và đồ trang sức cao cấp, các mặt hàng phổ biến khác trong phiên đấu giá thường là đồ thời trang dạo phố. Khách hàng trẻ sẵn lòng trả gấp đôi hoặc gấp ba giá trị thực tế của một sản phẩm yêu thích nếu như họ bỏ lỡ đợt mở bán của nó.
Các nhà đấu giá đang thúc đẩy xu hướng này và cố gắng hợp lý hóa nó bằng cách giúp những nhà sưu tập trẻ Trung Quốc đầu tư vào giày thể thao, ván trượt, áo nỉ và mũ lưỡi trai qua những đợt giảm giá lớn.
"Nhiều người tham gia buổi đấu giá đang xem việc mua giày, túi xách như mua một tác phẩm nghệ thuật. Họ cẩn thận cân nhắc hai yếu tố là giá trị thẩm mỹ lẫn giá trị đầu tư để dễ dàng bán lại trong tương lai", SCMP nhận định.