Do lệnh cấm nhập khẩu của Chính phủ Nepal ban hành ngày 25/3/2020, gần 60 container hạt tiêu Việt Nam xuất khẩu sang Nepal bị mắc kẹt hàng tháng trời tại cảng Nepal và biên giới Nepal - Ấn Độ. Tuy được Bộ Công Thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) hỗ trợ can thiệp để được thông quan lô hàng xuất đi trước lệnh cấm, nhưng phía Nepal vẫn chưa có phản hồi.
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mong muốn được đưa hàng về để giảm tổn thất do chi phí lưu bãi, lưu container và giảm thiểu khả năng hư hỏng hàng hóa. Quy trình để thu hồi các container mắc kẹt cũng rất phức tạp.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp có container đang kẹt tại Kolkata (Ấn Độ) chia sẻ, một số nhà nhập khẩu Nepal lấy lí do hàng chưa đến Nepal nên không thể cấp thư từ chối nhận hàng. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa biết phải xử lý thế nào.
Trong thời gian chờ thông báo chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của Nepal, các doanh nghiệp đã chủ động liên hệ các hãng tàu vận chuyển để thương lượng giảm chi phí lưu container, lưu bãi trong thời gian hàng bị kẹt tại cảng của Nepal và biên giới Nepal - Ấn Độ
Đại diện Công ty Liên Thành cho hay, trên cơ sở điều khoản hợp đồng vận chuyển thì phí lưu container, lưu bãi cho container 40 feet trung bình là 70 USD/ngày cho tuần đầu, tuần thứ 2 là 100 USD/container, từ tuần thứ 3 trở đi là 170 USD/container. Như vậy, với thời gian lưu bãi trên 3 tháng thì số tiền phải trả cho 1 container 40 feet từ 16.000 - 17.000 USD.
Trong số 13 doanh nghiệp xuất khẩu, có doanh nghiệp đang bị kẹt tới 20 container, số tiền phải trả cho hãng tàu dao động từ 320.000 – 340.000 USD. Chưa kể doanh nghiệp đã vay ngân hàng và dồn phần lớn vốn để mua hàng khiến không có vốn để xoay vòng, trong khi vẫn phải chịu lãi suất và phí phạt trả chậm cho ngân hàng.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, đa số doanh nghiệp có hàng mắc kẹt đều là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã thống nhất gửi thư đề nghị các hãng tàu hỗ trợ bằng cách giảm 85% chi phí phát sinh do phải lưu container, lưu bãi. Tuy nhiên, đến nay các hãng tàu vẫn chưa có phản hồi cụ thể và đang trong quá trình xem xét.
Ông Tạ Quốc Sự, Chủ tịch HĐQT Công ty Hồ tiêu Việt chia sẻ, công ty có 5 container hạt tiêu bị kẹt lại tại Nepal và Kolkata. Công ty đang nỗ lực đàm phán với các hãng tàu, nhưng đến nay một hãng tàu đã trả lời chỉ có thể giảm 35% phí phát sinh, một hãng tàu khác vẫn chưa phản hồi. Tuy nhiên, khả năng các hãng tàu có thể giảm tới 80 - 85% chi phí phát sinh như đề nghị của doanh nghiệp xuất khẩu là rất thấp.
Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu bị mắc kẹt đều là doanh nghiệp nhỏ, gặp khó khăn về tài chính. Đến thời điểm này, nếu đưa được hàng về thì chi phí phát sinh đã xấp xỉ 50% giá trị lô hàng. Trường hợp thời gian lưu lại Nepal và biên giới Nepal - Ấn Độ lâu hơn thì phần chi phí phát sinh sẽ tăng thêm theo cấp số nhân. Mặt khác, hạt tiêu trong các container lưu cảng quá lâu có khả năng bị ẩm mốc, hư hỏng không thể bán được.
Trước tình hình trên, 13 doanh nghiệp xuất khẩu đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ trong việc đàm phán với Chính phủ Nepal về việc cho phép tái xuất các lô hàng hạt tiêu đang mắc kẹt tại cảng Birgunj (Nepal) và biên giới giữa Nepal - Ấn Độ về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.