Cũng theo cán bộ này, heo lậu thường được vận chuyển bằng ghe, đi theo đường sông từ Campuchia về, chạy ngang qua khu vực Đồn biên phòng Phú Hội khoảng 3km mới cập bờ để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Bắt giữ nhiều vụ tuồn heo qua biên giới
Đại tá Lý Kế Tùng - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang - cho biết trên biên giới hiện tại đang được chốt chặn phòng chống COVID-19 kiêm luôn chốt chặn buôn lậu heo.
Trong tháng 4 và 5, các lực lượng biên phòng đã bắt hàng chục vụ buôn lậu heo qua biên giới. Ông Huỳnh Ngọc Hồ - cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh An Giang - cho rằng hiện nay tình hình nhập lậu heo vẫn còn lén lút diễn ra dù đã có quy định cho nhập heo vào Việt Nam để bình ổn giá thịt heo. "Hiện nay giá heo giữa Việt Nam và Campuchia chênh lệch hơn 5.000 đồng/kg nên người dân vẫn còn lén lút nhập heo lậu nhỏ lẻ, không nhiều như vài tháng trước" - ông Huỳnh Ngọc Hồ nói.
Không chỉ ở An Giang, lực lượng chức năng tỉnh Long An thời gian qua cũng liên tục bắt giữ nhiều vụ vận chuyển heo lậu tại các huyện biên giới trong đêm. Cụ thể vào lúc 23h30 ngày 28-5 và 1h ngày 1-6, Công an huyện Tân Hưng và Công an thị xã Kiến Tường đã liên tiếp bắt giữ 2 ôtô vận chuyển tổng cộng 129 con heo không giấy tờ nguồn gốc đi qua hai địa bàn biên giới này.
Tiếp đến, chỉ trong một đêm rạng sáng 15-6, lực lượng biên phòng đã bắt giữ liên tiếp 2 vụ vận chuyển heo lậu từ Campuchia về Việt Nam qua biên giới Long An.
Cụ thể lúc 1h ngày 15-6, tổ công tác của Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam phối hợp với tổ công tác của Đồn biên phòng Sông Trăng phát hiện 1 ôtô tải vận chuyển 17 con heo từ Campuchia về Việt Nam tại khu vực biên giới xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Lái xe Huỳnh Thanh Toàn (33 tuổi, ngụ thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) khai nhận được thuê chạy xe tới khu vực bờ kênh Cái Cỏ ở ấp Cây Me để nhận heo rồi định vận chuyển về Đồng Tháp cho một khách hàng tên Bình.
Hai giờ sau, lúc 3h cùng ngày, tại khu vực biên giới ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền, lực lượng trên tiếp tục phát hiện 3 người đang điều khiển 1 vỏ lãi vận chuyển heo từ Campuchia về Việt Nam. Khi bị yêu cầu dừng vỏ lãi để kiểm tra, những người trên đã bỏ chạy về phía Campuchia, để lại vỏ lãi chở 17 con heo.
Nguy cơ bùng phát dịch tả heo châu Phi
Bà Đinh Thị Phương Khanh - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - cho biết việc chống nạn buôn heo lậu vẫn đang còn gặp phải một số khó khăn nhất định. Theo bà Khanh, hiện nay lực lượng thú y cơ sở không còn, vì vậy có trường hợp nhiều hộ có trại nuôi heo ở khu vực biên giới Long An, Đồng Tháp dù không tái đàn nhưng vẫn báo đang nuôi heo. Để rồi khi tuồn heo lậu từ Campuchia về thì cho vào trại heo của họ rồi đi xin giấy xác nhận của địa phương, hợp thức hóa heo lậu thành heo nuôi tại gia để vận chuyển.
"Đây là nguy cơ rất lớn cho việc bùng phát dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng. Hiện tỉnh Long An đã chỉ đạo ngành thú y phối hợp với tỉnh Đồng Tháp rà lại toàn bộ các hộ có nuôi heo tại biên giới để kiểm soát. Ngoài ra, việc chống heo lậu tại biên giới vẫn đang thực hiện theo tinh thần chung của chương trình chống dịch COVID-19" - bà Khanh thông tin.
Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang đã có báo cáo gửi UBND tỉnh An Giang về tình hình "công tác kiểm tra, giám sát việc vận chuyển heo, sản phẩm từ heo qua biên giới". Theo đó, hiện nay, do giá heo hơi tại Việt Nam chênh lệch cao hơn giá tại Campuchia nên thương lái đã vận chuyển heo hơi nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam với mức độ ngày càng tăng.
Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong chức năng quản lý phối hợp các ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, kinh doanh heo tại các tuyến biên giới. Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng đã phát hiện 26 vụ vận chuyển heo không rõ nguồn gốc, heo nhập lậu qua biên giới. Trong đó, xử phạt 9 vụ được trên 56 triệu đồng. Số vụ còn lại tiêu hủy với trọng lượng gần 19 tấn.