Ngày pháp luật

Giảm 50% lệ phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước, cổ phiếu ngành ô tô dự báo sẽ thăng hoa?

Việc áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ kể trên được kỳ vọng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số ô tô tiếp đà giảm sút trong các tháng đầu năm 2023. Đây được cho là tín hiệu đáng lo ngại, không chỉ với các doanh nghiệp sản xuất, mà một số địa phương có thể bị hụt thu ngân sách, lao động mất việc làm.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 4 tháng đầu năm 2023, sản xuất ô tô giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lượng tồn kho ô tô cũng khá cao. 

Kết quả kinh doanh quý I/2023 của doanh nghiệp ô tô có phần ảm đạm 

Ngành công nghiệp ô tô được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp đi đầu của nền kinh tế. Tuy nhiên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô có phần ảm đạm.

Tính trong 3 tháng đầu năm 2023, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần (VEAM, mã ck: VEA) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.010 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.359 tỷ đồng, giảm 7% so với quý I/2022.

Lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ các công ty liên doanh, liên kết như Honda, Toyota, Ford, đồng thời công ty đem một nửa tài sản gửi ngân hàng lấy lãi. 

Bên cạnh công ty sản xuất, tình hình kinh doanh ở các hãng phân phối ô tô cũng không mấy tươi sáng. 

Giảm 50% lệ phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước, cổ phiếu ngành ô tô dự báo sẽ thăng hoa? - Ảnh 1

Lợi nhuận của đại lý ôtô lớn nhất Việt Nam Savico (SVC) trong quý I/2023 cũng chỉ ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.792 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ 2022. Giá vốn bán hàng tăng 579 tỷ đồng so với quý I/2022 nên lãi gộp của doanh nghiệp đạt 322 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Trong quý I, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 19% và tăng 14%. Kết quả, doanh nghiệp phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam lãi sau thuế 14,7 tỷ đồng, giảm gần 85% so với cùng kỳ 2022 và giảm hơn 11 lần so với quý trước.

Theo giải trình của SVC, trong 3 tháng đầu năm, nguồn cung của các hãng xe dồi dào song sức mua chậm do ảnh hưởng chung từ sụt giảm toàn thị trường, làm tăng mạnh giá trị hàng tồn kho. Mặt khác, các chi phí hoạt động tăng cùng chi phí lãi vay cao làm chỉ tiêu lợi nhuận của Savico giảm mạnh.

Giống SVC, Công ty cổ phần City Auto (mã ck: CTF) báo doanh thu quý I/2023 tăng gần 70% đạt 1.669 tỷ đồng, song sau khi trừ đi các chi phí và thuế, công ty báo lãi giảm 21% xuống 11 tỷ đồng.

Theo bản giải trình, CTF cho biết lợi nhuận giảm do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế lạm phát, chính sách tín dụng thắt chặt cùng lãi suất tăng cao đã dẫn đến chi phí lãi vay của quý I tăng đáng kể.

Trong khi đó, bán Mercedes-Benz - Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (mã ck: HAX) cũng ghi nhận lợi nhuận chỉ 3,5 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ quý I/2022 là gần 54,3 tỷ đồng.

HAX cho biết kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong quý đầu năm là do thị trường ô tô trong nước đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lãi suất cho vay tăng cao và nhu cầu tiêu dùng xe ô tô ở phân khúc cao cấp giảm so với cùng kỳ.

Triển vọng tích cực từ thông tin giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô trong nước 

Mới đây, Chính phú đã nhất trí với kiến nghị của Bộ Tài chính tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng 6 tháng cuối năm nay.

Trước đó, đã có 2 lần Chính phủ đồng ý giảm 50% thuế trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước là 28/6/2020 - 31/12/2020; và 1/12/2021 - 31/5/2022.

Giảm 50% lệ phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước, cổ phiếu ngành ô tô dự báo sẽ thăng hoa? - Ảnh 2

Thống kê từ VAMA chỉ ra, sau khi áp dụng chính sách giảm 50% thuế trước bạ, doanh số ô tô lắp rắp trong nước hầu như đều tăng mạnh vượt trội so với xe ô tô nhập khẩu. Tính riêng đối với xe ô tô lắp rắp, doanh số trung bình tăng khoảng 30 - 60% so với các tháng không áp dụng chính sách giảm thuế trước bạ.

Việc áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ kể trên được kỳ vọng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành ô tô, Chứng khoán Yuanta thống kê Tổ chức quốc tế các nhà sản xuất xe có động cơ (OICA), tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh số bán ô tô của Việt Nam giai đoạn 2018- 2022 đạt 7,5%/năm, thuộc hàng cao nhất châu Á, thấp hơn Ả Rập Saudi (+8,8%/năm). Trong khi đó, ở nhiều nước, tốc động tăng trưởng này thậm chí còn ở mức âm như Thái Lan (-14%/năm), Pakistan (-2,8%/năm).

Do tác động từ kinh tế vĩ mô cũng như lãi suất vay tăng cao, tổng doanh số ô tô 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 92.800 chiếc giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xe lắp ráp trong nước bị ảnh hưởng mạnh hơn, đạt 50.000 chiếc giảm 39%, xe nhập khẩu đạt 42.800 chiếc giảm 16%.

Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Các Ngân hàng thương mại cũng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động các kỳ hạn trong tháng 5. Hiện tại mặt bằng chung lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại các Ngân hàng thương mại đã rơi xuống mức dưới 8%/năm.

Đơn vị Yuanta kỳ vọng đến quý III/2023 lãi suất có thể giảm đi đáng kể khi NHTW các nước dừng nâng lãi suất. Theo đó, lãi suất cho vay có thể giảm rõ hơn từ quý III/2023 sẽ hỗ trợ kích cầu ô tô đối với các khách hàng vay mua xe. 

Tin Cùng Chuyên Mục