Ngày pháp luật

ĐHCĐ PVOIL (OIL): Quý I hoàn thành 45% kế hoạch lãi cả năm, 2023 sẽ đạt 700 cửa hàng xăng dầu và hợp tác với Vinfast gia tăng trạm sạc ô tô điện

An Chi

Với giá dầu thô kế hoạch là 70 USD/thùng, doanh thu hợp nhất năm 2023 mục tiêu 50.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu 600 tỷ đồng, tăng 20% so với kế hoạch năm 2022.

Ngày 27/4/2023, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã CK: OIL) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, thông qua kế hoạch kinh doanh thận trọng, với chỉ tiêu xuất bán kinh doanh dầu thô đạt 9.185 triệu tấn; sản xuất dầu mỡ nhờn đạt 484.000 tấn; kinh doanh xăng dầu là 3,3 triệu m3 tấn, tăng 5% so với kế hoạch năm 2022.

ĐHCĐ PVOIL (OIL): Quý I hoàn thành 45% kế hoạch lãi cả năm, 2023 sẽ đạt 700 cửa hàng xăng dầu và hợp tác với Vinfast gia tăng trạm sạc ô tô điện - Ảnh 1

Với giá dầu thô kế hoạch là 70 USD/thùng, doanh thu hợp nhất năm 2023 mục tiêu 50.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu 600 tỷ đồng, tăng 20% so với kế hoạch năm 2022.

Kế hoạch được đưa ra trong môi trường kinh doanh dự báo còn nhiều biến động, nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái, nhu cầu tiêu thụ giảm, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá dầu thô Brent theo dự báo của một số tổ chức uy tín dao động ở mức từ 85-100 USD/thùng. Ở trong nước tăng trưởng giảm mạnh.

Năm nay, PVOlL sẽ phát triển thêm 58 cửa hàng xăng dầu, nâng tổng số lên 700 cửa hàng xăng dầu trong hệ thống phân phối. Đặc biệt, Công ty cũng tiếp tục hợp tác với Vinfast trong triển khai các trụ sạc điện cho ô tô tại các cửa hàng xăng dầu PVOIL.

Kết thúc quý 1/2023, tổng doanh thu hợp nhất của PVOIL đạt 19.000 tỷ đồng, thực hiện 38% kế hoạch tổng doanh thu cả năm; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 209 tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch cả năm. Trong đó, sản lượng tiêu thụ xăng dầu đạt 1,1 triệu m3 tấn, bằng 34% so với kế hoạch năm và tăng 27% so với cùng kỳ.

Về kết quả năm 2022, PVOIL cho biết 2022 là năm dị thường của thị trường xăng dầu khi 6 tháng đầu năm giá xăng dầu tăng đột biến trong khi 6 tháng cuối năm giảm đột ngột. Tuy nhiên, PVOIL đã ứng phó tốt với những biến động về giá dầu và nguồn cung trên thị trường, kết quả sản lượng đạt mức cao nhất trừ trước đến nay với hơn 4 triệu tấn xăng dầu, tăng 27% so với 2021.

Tương ứng, tổng doanh thu hợp nhất đạt 104.833 tỷ đồng, hoàn thành 233% kế hoạch và tăng trưởng 80% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 912 tỷ đồng, gấp 1,8 lần kế hoạch giao; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 657 tỷ đồng, gấp 1,6 lần kế hoạch giao.

Nộp ngân sách nhà nước hợp nhất cả năm (không bao gồm số liệu nộp ngân sách của các đơn vị tại nước ngoài cho chính phủ nước sở tại) đạt 6.706 tỷ đồng, hoàn thành 79% kế hoạch năm và bằng 78% so với cùng kỳ (do Nhà nước giảm thuế bảo vệ môi trường).

Năm 2022, PVOIL đã phát triển mới 54 cửa hàng xăng dầu, nâng tổng số cửa hàng xăng dầu trong hệ thống lên 655 cửa hàng; 267 cửa hàng có kết hợp lắp đặt trụ sạc pin xe ô tô điện của Vinfast.

Đại hội nhận được nhiều câu hỏi của cổ đông về thực hiện kết quả kinh doanh năm nay.

Cổ đông hỏi: Hai nhà máy lọc dầu bảo dưỡng có ảnh hưởng gì đến sản lượng của PVOIL không? Vì sao kế hoạch sản lượng năm nay lại thấp hơn năm ngoái?

Ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng giám đốc PVOIL: Về sản lượng, chúng tôi được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao nhiệm vụ cao hơn mức kế hoạch. Chúng tôi đặt kế hoạch sản lượng phấn đấu không thấp hơn năm trước, cố gắng đạt 4 triệu m3.

Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL: Sản lượng kế hoạch xây dựng đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn. Năm 2022 là năm dị biệt chưa có tiền lệ nên PVOIL tận dụng cơ hội trong biến động để gia tăng sản lượng. Năm nay, dự báo tình hình cung cầu ổn định hơn nên sẽ không có cơ hội như năm trước. Tăng trưởng sản lượng kinh doanh xăng dầu là yếu tố rất quan trọng đối với PVOIL. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh doanh xăng dầu hiện nay, việc tăng trưởng sản lượng phải song hành với đảm bảo hiệu quả kinh doanh. PVOIL không tăng trưởng bằng mọi giá, nên đã đưa ra con số tăng trưởng sản lượng ở mức thận trọng.

Năm nay, PVOIL sẽ tăng mua sản phẩm xăng dầu trong nước. Hiện nay, khoảng 70% nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước đến từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (đơn vị thành viên PVN) và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tổng khối lượng xăng dầu PVOIL mua từ hai nhà máy lọc dầu chiếm tới 70-80% tổng nguồn hàng đầu vào của PVOIL, đóng một vai trò rất quan trọng đối với PVOIL. Việc mua xăng dầu từ các nhà máy trong nước có nhiều lợi thế hơn so với việc nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam.

Cụ thể, phụ phí mua hàng từ nhà máy lọc dầu trong nước được BSR/PVNDB chào bán trên nguyên tắc phù hợp với thị trường và cạnh tranh với hàng nhập khẩu; khối lượng lô hàng nhận từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá nhỏ nên có thể đưa trực tiếp về các kho tiêu thụ và thời gian nhận, đưa hàng về các kho của PVOIL ngắn hơn nhiều so với hàng nhập khẩu.

Trong khi đó, khối lượng của 1 lô hàng nhập khẩu thường lớn và không phải kho nào cũng tiếp nhận được, dẫn đến phát sinh thêm chi phí điều chuyển về các kho tiêu thụ. Do vậy, việc mua hàng từ các nhà máy trong nước giúp tiết giảm chi phí và giảm thiểu rủi ro biến động giá khi Nhà nước ngày càng rút ngắn chu kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước… Dự kiến trong 5 năm tới, PVOIL tiếp tục chú trọng mua xăng dầu sản phẩm từ hai nhà máy lọc dầu trong nước.

Cổ đông hỏi: Xin hỏi về kế hoạch phát triển cây xăng PVOIL và Công ty có kế hoạch mua lại cây xăng hoạt động cầm chừng hay không?

Ông Đoàn Văn Nhuộm: PVOIL có kế hoạch mua lại cây xăng của doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn, có nhu cầu muốn bán. Quý I/2023, chúng tôi đã phát triển thêm 31 cửa hàng xăng dầu, trong đó phần lớn là mua lại và năm nay dự kiến tăng thêm 58 cửa hàng, nhưng thực tế mua không giới hạn số lượng. Mục tiêu là đến hết năm tối thiểu có 700 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Cổ đông hỏi: Nghị định số 95/2021/NQ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường?

Ông Cao Hoài Dương: Chúng tôi được hỏi ý kiến góp ý dự thảo Nghị định 95. Theo chúng tôi, Nghị định sửa đổi được ban hành sẽ làm lành mạnh hóa thị trường kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp làm ăn gian dối ít có đất sống. Nghị định 95 sẽ được điều chỉnh theo hướng giá bán lẻ trong nước tiệm cận gần hơn giá thị trường quốc tế, nếu có độ trễ giá sẽ ngắn lại, qua đó giúp thị trường bình ổn hơn, tránh những xáo trộn khá lớn như vừa rồi. Nghị định 95 sẽ điều chỉnh theo hướng hài hòa cho các chủ thể tham gia trên thị trường.

Cổ đông hỏi: Năm ngoái, vì sao doanh thu năm 2022 tăng trưởng cao, nhưng lợi nhuận chỉ tương đương với năm 2021?

Ông Cao Hoài Dương: Thị trường xăng dầu Nhà nước quản lý chặt chẽ. Biên lợi nhuận rất mỏng. Năm ngoái, nhiều đầu mối kinh doanh phải đóng cửa nhưng PVOIL đạt lợi nhuận hơn 900 tỷ đồng, ROE là hơn 5,2%. Rõ ràng, PVOIL là một điểm sáng trong năm 2022 khi vượt qua nhiều khó khăn của thị trường trong bối cảnh nhiều công ty xăng dầu cả lớn cả nhỏ, cả nhà nước và tư nhân bị thua lỗ. Với việc triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó và tận dụng tốt lợi thế quan trọng là mắt xích trong chuỗi liên kết giá trị của PVN nên PVOIL đã đảm bảo được nguồn cung trong hệ thống và các khách hàng của mình trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh cả năm.

Cổ đông hỏi: Dự kiến khi nào PVOIL chuyển niêm yết cổ phiếu trên HOSE, khi nào cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo?

Ông Lê Văn Nghĩa, thành viên HĐQT: Để niêm yết cổ phiếu trên HOSE, PVOIL còn cần đáp ứng 3 điều kiện. Điều kiện ROE trên 5% trong 3 năm liền thì PVOIL đã đạt 2 năm. Điều kiện hết lỗ hợp nhất trên báo cáo hợp nhất. Năm 2023, PVOIL triển khai thành công kế hoạch kinh doanh thì sẽ hết lỗ lũy kế. Điều kiện thứ 3 là trong báo cáo không có điểm loại trừ. Trong báo cáo của PVOIL có 3 điểm loại trừ đều xuất phát từ trước thời điểm cổ phần hóa. Chúng tôi đang quyết liệt tập trung để xử lý, nhưng việc xử lý còn phụ thuộc nhiều vấn đề pháp lý, quy trình giải quyết của cơ quan chức năng. Chúng tôi rất nỗ lực xử lý để đủ điều kiện đưa cổ phiếu OIL ra khỏi diện cảnh báo và đủ điều kiện niêm yết trên HOSE.

Cổ đông hỏi: Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên cả nước có tăng trưởng?

Ông Đoàn Văn Nhuộm: Nhu cầu xăng dầu phụ thuộc lớn vào tiêu thụ và phát triển đất nước. Tiêu thụ xăng dầu trong quý I của cả nước không tăng mà xấp xỉ năm 2022. Năm 2022, tiêu thụ xăng dầu dị thường, do khó khăn cục bộ nên nhiều đầu mối không đủ cung cấp cho các khách hàng. Chỉ có PVOIL và Petrolimex đảm bảo cung cấp hàng. Một số khách hàng đã chuyển sang lấy hàng của PVOIL và tiếp tục lấy hàng của chúng tôi trong quý I, giúp sản lượng quý I của PVOIL tăng trưởng. Còn tiêu thụ xăng dầu nói chung trên cả nước không tăng.

ĐHĐCĐ cũng đã bỏ phiếu bầu các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028. Cụ thể, Đại hội đã bầu 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm: ông Cao Hoài Dương, ông Lê Văn Nghĩa, ông Nguyễn Đăng Trình, ông Trần Hoài Nam và ông Nguyễn Xuân Quyền (thành viên độc lập HĐQT). Bên cạnh đó, HĐQT PVOIL hiện có 2 thành viên HĐQT đương nhiệm là ông Đoàn Văn Nhuộm và ông Nguyễn Mậu Dũng.

HĐQT và Ban Kiểm soát PVOIL ra mắt cổ đông.
HĐQT và Ban Kiểm soát PVOIL ra mắt cổ đông.

Đồng thời, ĐHĐCĐ bầu 3 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm: ông Nguyễn Đức Kện; ông Phạm Thanh Sơn; ông Lê Vinh Văn.

HĐQT và Ban Kiểm soát đã họp và bầu ông Cao Hoài Dương làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Đức Kện làm Trưởng Ban Kiểm soát.

Tin Cùng Chuyên Mục