Vị vua tàn bạo với "giấc mơ bất tử"
Tần Thủy Hoàng là người bị ám ảnh bởi cái chết. Đó cũng là nguyên nhân lí giải vì sao ngay từ khi lên ngôi, năm 13 tuổi, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh lựa chọn địa điểm và bắt đầu xây dựng lăng mộ cho mình. Ông thậm chí cho xây dựng cả một thế giới thu nhỏ trong lăng để khi chết đi vẫn có thể duy trì quyền lực ở một thế giới khác.
Vị vua tàn ác, giết người không ghê tay này còn là một vị vua hoang tưởng với giấc mơ bất tử. Ông từng trở nên điên khùng bởi các hóa chất kỳ dị nhằm duy trì sự bất tử để vĩnh viễn trị vì trên ngôi báu.
Tần Thủy Hoàng sợ cái chết đến nỗi sẵn sàng giết người thân cận để bảo toàn bí mật, ám sát hoàng thân, thiêu đốt dân quân để đoạt mộng làm chủ thiên hạ. Những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng sợ cái chết và tuyệt vọng tìm kiếm thuốc trường sinh - loại thuốc được cho là sẽ giúp ông sống và an vị mãi mãi..
Thủy Hoàng cấp cho quan Từ Phúc một tàu chở hàng trăm đồng nam và đồng nữ tìm kiếm núi Bồng Lai thần bí. Truyền thuyết của Bồng Lai tam đảo tức ba đảo tiên gồm Bồng Lao, Phương Trượng và Doanh Châu nằm ở vịnh Bột Hải.
Liệt Tử Xung Hư Chân Kinh của người Trung Hoa viết: “Phía đông của Bột Hải, không rõ là xa bao nhiêu dặm, có một vùng nước lớn… Nước từ tám phương trời và chín vùng đất và nước sông Ngân Hà đều chảy đổ vào nơi đây... Cầm thú ở đó có màu trắng tinh khiết. Cây cối bằng ngọc trai và san hô. Hoa trái có vị thơm ngon dễ chịu. Ai mà ăn được hoa quả ấy sẽ không già và không chết".
Đây có thể là nguyên nhân khiến Tần Thủy Hoàng sẵn sàng sai người đi tìm thuốc ở núi Bồng Lai, nơi được cho là thành phố Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày nay.
Sau khi nhiệm vụ trên thất bại, Tần Thủy Hoàng quay sang đầu tư nghiên cứu giả kim thuật. Song dường như vì quá lo sợ cái chết sẽ ập đến nên mọi vị thuốc được người đời đồn đại, ca tụng đều được Tần Thủy Hoàng thử.
Và một trong những vị thuốc kịch độc được giới nghiên cứu cho là nguyên nhân gây nên cái chết của Thủy Hoàng. Đó chính là thủy ngân, Tần Thủy Hoàng đã uống các viên thuốc trường sinh có nguyên liệu từ thủy ngân để biến mình thành bất tử. Song chính những thứ đó đã gây nên cái chết cho vị vua này.
Theo Sử ký, Tần Thủy Hoàng từ nhỏ đã mắc bệnh, thể trạng yếu, lớn lên lại ương ngạnh bảo thủ, mọi việc tự mình quyết định, mỗi ngày phê duyệt văn thư lên đến 60 cân nên cơ thể bị suy nhược trầm trọng.
Hay như cuốn “Sử ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ” ghi chép: “Tần vương mũi gẫy, mắt dài, lưng chim ó, ít tạo ân đức, tâm địa thâm độc”, từ đây các nhà khoa học phỏng đoán vị vua Tần từ nhỏ mắc chứng xương mềm, khó thở, lớn lên ngực giống chim ó, tiếng giống như chó sói. Thủy ngân được vua Tần Thủy Hoàng dùng vào lúc cuối đời cũng chỉ là dấu chấm cuối cùng cho cuộc đời ông.
Lăng mộ bí ẩn và những tiếng thét ai oán
Chính phủ Trung Hoa thậm chí mở một chuyên đề nghiên cứu về địa điểm đặt lăng mộ của Tần Thuỷ Hoàng và tìm suốt 40 năm trên phạm vi cả nước. Với diện tích lục địa lên xấp xỉ 9,6 triệu km2 thì việc tìm cho được phần lăng mộ của vị vua nổi tiếng nhất Trung Quốc này không phải là một điều đơn giản.
Rất nhiều chuyên gia khảo cổ, các đội tìm kiếm chuyên nghiệp cùng các hoạt động truy tìm dấu vết xác định địa chỉ lăng mộ thông qua các văn tự cổ gần như chỉ đi vào ngõ cụt.
Nhưng thật bất ngờ vào năm 1974, một số nông dân đang đào giếng gần Tây An đã vô cùng kinh ngạc với phát hiện của mình: lần lượt 1,2 rồi đến hàng ngàn tượng binh sĩ bằng đất với kích thước như người thật dần lộ ra sau lớp đất sâu hàng chục mét gần một quả đồi nằm phía Bắc núi Ly Sơn, cách Tây An 50km về phía Đông.
Bên trên lăng mộ hay nói cách khác là lăng mộ được bao bọc bởi một đất đắp nổi cao 76m, dài 350m, rộng 354m. Người ta vẫn cho rằng, đây thực chất là một “ngôi mộ” khổng lồ, là ngọn đồi nhân tạo được đắp lên bằng bàn tay con người để che đi phần lăng mộ chính bên trong. Trên mặt đất xung quanh lăng còn có hai lớp tường thành, diện tích thành bên ngoài là 2 km2 có cửa.
Giữa hai lớp thành có các giác lâu, cung tẩm, chùa chiền, nhà ở mà phần lớn đã bị phá huỷ hay hư hỏng khiến người ta không thể hình dung ra một lăng mộ đang giấu mình bên trong ngọn đồi kia.
Bên dưới mặt đất là địa cung hình chữ nhật, dài 460m, rộng 392m, bốn phía có tường bao bọc. Các nhà khảo cổ học vẫn chưa thể lí giải bằng cách nào và ước lượng số lượng nhân công lớn tới mức nào để có thể xây dựng địa cung có tổng diện tích lên tới 180.000 m2.
Bộ “Sử kí” của sử gia thời Tây Hán – Tư Mã Thiên thuật lại việc xây lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng như sau: “Khi Thuỷ Hoàng mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ thì dời 70 vạn người trong thiên hạ đến xây lăng mộ, đào ba con suối, ở dưới đổ đồng nung và đưa quách vào”.
Trong quá trình nghiên cứu sử sách cũng như qua lời truyền miệng của người dân vùng Tây An thì ngoài địa cung, tức gần khu vực có lớp đất bao bọc bên trên phát hiện thấy 300 đường hầm bồi táng, có nghĩa là đất lấp lên cùng với xác người và trên 5 vạn cổ vật quan trọng.
Bộ “Sử kí” của Tư Mã Thiên còn mô tả cách vị vua Tần bảo lưu bí mật về cách thức và vị trí đặt lăng mộ: “Sai thợ làm máy bắn tên hễ có ai đào đến gần thì bắn ra…Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy dầu cá nhân ngư để thắp đuốc, trù tính thế nào để cháy mãi mãi”.
Sau khi chôn cất Hoàng đế xong, con trai Tần Thuỷ Hoàng là Tần Nhị Thế vâng lời cha đã sai quân lính đóng đường hầm đi đến huyệt và cửa ngoài hầm nhằm mục đích không cho ai thoát ra.
Sau đó, sai quân lính trồng cây, trồng cỏ lên trên nguỵ trang thành ngọn đồi như ngày nay. Hầu hết thợ xây và những người liên quan đến thiết kế của công trình, nằm trong số hơn 70 vạn người đến đây, đều đã bị giết hạị.
Cho đến nay các nhà khảo cổ đã phát hiện 8.000 chiến binh đất nung, 130 toa xe và 520 con ngựa, nhưng những hiện vật này chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ đội quân. Phần còn lại vẫn bị chôn vùi và chưa được khám phá.