Báo cáo của Tổng cục thống kê chỉ ra, giá lương thực thực phẩm tăng do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19; tâm lý tích trữ hàng hóa là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng này tăng 2,82%.
Tính bình quân 8 tháng, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Báo cáo chỉ ra có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 4 nhóm có chỉ số giá giảm và 3 nhóm giữ giá ổn định (nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất với 0,74%, làm CPI chung tăng 0,25 %. Mức giá nhóm này tăng do việc việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Các nhóm có mức tăng tiếp theo là nhóm đồ uống, nhóm giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng từ 0,02 - 0,22%.
Ở chiều ngược lại, do nhiều đại lý ô tô đưa ra các gói ưu đãi, giảm giá xe hấp dẫn nhằm kích thích sức mua nên nhóm giao thông giảm mạnh nhất với 0,06% so với tháng trước. Các nhóm bưu chính viễn thông, may mặc, mũ nón và nhóm văn hóa, giải trí cũng giảm theo từ 0,03 - 0,05% do chủ yếu nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch.
Không nằm trong rổ hàng hóa, chỉ số giá vàng tháng 8 giảm 0,49% so với tháng trước và tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD giảm 0,44% so với tháng 7, và giảm 0,92% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế trong thời gian giãn cách.