Báo cáo của Tổng cục thống kê chỉ ra, giá lương thực thực phẩm tăng do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19; tâm lý tích trữ hàng hóa; giá xăng dầu, điện tăng là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng này tăng 2,64%.
Tính bình quân 7 tháng, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Báo cáo chỉ ra có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 3 nhóm có chỉ số giá giảm và riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giữ giá ổn định.
Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,36% làm CPI chung tăng 0,23%. Mức giá nhóm này tăng do ảnh hưởng của 3 đợt điều chỉnh giá xăng, dầu làm chỉ số giá xăng tăng 7,08%, dầu diezen tăng 6,97%.
Các nhóm có mức tăng tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm đồ uống và thuốc lá với mức tăng từ 0,18 - 0,88%.
Ở chiều ngược lại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm mạnh nhất với 0,1% so với tháng trước. Các nhóm bưu chính viễn thông, may mặc, mũ nón cũng giảm theo từ 0,03 - 0,05% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch.
Không nằm trong rổ hàng hóa, chỉ số giá vàng tháng 7 giảm 1,39% so với tháng trước và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD giảm 0,09% so với tháng 6, và giảm 0,55% so với cùng kỳ năm 2020.