Ngày pháp luật

Giá đất Hóc Môn, Củ Chi tăng bằng lần: Bài học “cắt lỗ” vẫn chưa cũ

Lê Anh

Trong hơn nửa năm trở lại đây, đất Hóc Môn, Củ Chi tăng bằng lần (tăng gấp 2, gấp 3 giá trị sau mỗi lần giao dịch, sang tay) và trở thành điểm nhấn của thị trường bất động sản TP HCM. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây là sự tăng giá có dấu hiệu bất thường.

Trong vài năm gần đây, giá đất nội đô TP HCM tăng mạnh mẽ, lập các kỷ lục mới, cao đến mức đại bộ phận người dân không tiếp cận được. Đặc biệt, kể từ khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây sốc với phiên đấu giá đất Tân Hoàng Minh, mặt bằng bất động sản Thủ Thiêm nói riêng và TP HCM đã lên tầm cao mới.

Ngay cả khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc, Chủ tịch Tập đoàn bị bắt, mặt bằng giá cũng không hạ xuống là bao.

Trong bối cảnh đó, đất vùng ven như Đồng Nai, Long An, Bình Dương cũng được hưởng “sức nóng”. Gần đây nhất, Hóc Môn, Củ Chi đã tham gia vào “cuộc đua” tăng giá.

Giá đất tại Hóc Môn, Củ Chi “nhảy múa” chủ yếu do thông tin quy hoạch.
Giá đất tại Hóc Môn, Củ Chi “nhảy múa” chủ yếu do thông tin quy hoạch.

Giá đất tăng bằng lần

Nếu như hồi đầu năm 2021, đất Hóc Môn, Củ Chi khá im lìm thì kể từ giữa năm, thị trường bất động sản tại 2 vùng này bắt đầu “ấm” hơn và chính thức nóng lên từ đầu năm 2022.

Cụ thể, khi có đề xuất quy hoạch đưa huyện Củ Chi lên cấp thành phố trực thuộc TP HCM, thị trường bất động sản tại huyện này đã lập tức thiết lập mức giá mới, đa số tăng 1,2 lần tới 1,5 lần so với hơn nửa năm trước đó.

Đặc biệt, một số nơi “nóng” hơn bình thường. Tại Củ Chi, giá đất tại đường Nguyễn Thị Rành, xã An Nhơn Tây tăng 2 - 3 lần lên 8,2 - 8,5 triệu đồng/m2; giá đất trên đường Bùi Thị Điệt, xã Nhuận Đức tăng tới 4 lần lên 7,2 triệu đồng/m2.

Giá đất tăng phù hợp với thông tin thị trường bất động sản nơi đây được nhà đầu tư chú ý nhiều hơn. Theo thống kê của Chợ Tốt, kênh rao bán đất online phổ biến hiện nay, lượt tìm kiếm thông tin về đất nền ở các khu vực quận 2, quận 9, huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè bắt đầu tăng lên ngay thời điểm kì nghỉ Tết kết thúc, từ tuần thứ 6 (7/2 - 13/02) và nhanh chóng vượt mức trước thời điểm nghỉ Tết ở tuần thứ 7 (14/2 - 20/2). Xu hướng này cũng tương đồng với nhu cầu tìm mua, giao dịch thực tế tại các khu vực trên.

Theo đó, huyện Củ Chi là khu vực có lượng tìm kiếm thông tin đứng đầu trong các khu vực trên, luôn ở mức cao gấp đôi so với khu vực thứ 2 là quận 9 (TP Thủ Đức). 

Theo thống kê của Chợ Tốt, giá bán trung bình cho một mảnh đất 200m2 tại huyện Củ Chi dao động ở mức 3,5 tỷ đồng (khoảng 17,5 triệu đồng/m2).

Trong khi đó, mặt bằng giá đất ở Hóc Môn thậm chí còn được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều. Tại thị trấn Hóc Môn, giá đất dao động từ 7,5 triệu/m2 đến 39,3 triệu/m2. Giá nhà đất xã Bà Điểm cao nhất, từ 11,3/m2 đến 66,5 triệu/m2.

Tuy nhiên, đà tăng này cũng mang đến không ít lo lắng. Chia sẻ với báo chí, ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM) nhận định có người đã lợi dụng thông tin từ các cuộc họp để trục lợi. Theo ông Châu, đầu nậu, cò đất, hay các doanh nghiệp bất lương đã làm cho giá đất ở huyện Củ Chi, Hóc Môn “loạn lên”.

Bài học “cắt lỗ”

Hiện tại, hạ tầng ở Hóc Môn và Củ Chi chưa có nhiều biến chuyển so với trước đây. Giá đất tăng phi mã chủ yếu do thông tin quy hoạch. Vì vậy, đà tăng này được đánh giá là không ổn định.

Lo lắng này không hẳn thiếu cơ sở. Rất gần đây thôi, thị trường này đã chứng kiến đà sụt giảm (cả về giá, nguồn cung và sự quan tâm của giới đầu tư) sau khi tăng sốc.

Cụ thể, đầu năm 2020, đất nền Củ Chi và Hóc Môn tăng đáng kể, phổ biến từ 35 - 50%, tuy nhiên sau đó lại giảm dần đều. Có thời điểm, chỉ từ tháng 8 đến tháng 10/2020, giá nhà nguyên căn trung bình tại Hóc Môn giảm từ 23 triệu đồng/m2 xuống 21 triệu đồng/m2, tại Củ Chi giảm từ 15 triệu đồng/m2 xuống 12 triệu đồng/m2.

Thống kê của Chợ Tốt cho thấy, trong năm 2020, ở phân khúc nhà liền thổ và đất nền ghi nhận mức giảm về nguồn cung lên đến 70% ở một số khu vực từng là điểm nóng của năm 2019 như huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và những tháng sau đó cũng hồi phục với tốc độ khá chậm.

Tính đến hết Quý III/2020, số lượng tin đăng rao bán đất nền chỉ đạt 75% so với cuối năm 2019 và đang cho thấy những dấu hiệu ảm đạm, phần lớn do tâm lý thận trọng từ các nhà đầu tư.

Giá cả giảm nhưng sự quan tâm của nhà đầu tư còn giảm nhiều hơn nên thanh khoản bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, bước sang đầu năm 2021, rất nhiều nhà đầu tư đã phải cắt lỗ, thoát hàng. Có thể thấy, bài học “cắt lỗ” vẫn chưa phải là cũ với nhà đầu tư đất Hóc Môn, Củ Chi.

Tin Cùng Chuyên Mục