Ngày pháp luật

HoREA đưa giải pháp tháo gỡ tình trạng giá nhà cao hơn 20 lần thu nhập trung bình

Giang Phạm

Lãnh đạo HoREA cho rằng, chính việc thị trường "thiếu cung" nhà ở trong khi "cầu lớn" dẫn đến tình trạng giá nhà đất liên tục tăng trong hơn 5 năm qua. 

Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có công văn gửi Thủ tướng đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, kéo giảm giá nhà để bình ổn thị trường bất động sản

Báo cáo của HoREA đã chỉ ra, thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội. Đây là hai phân khúc nhà đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người có thu nhập trung bình và người thu nhập thấp tại đô thị.

 Hai năm gần đây, nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% tổng nguồn cung sản phẩm mới trong năm 2020 và "biến mất" trong năm 2021.
 Hai năm gần đây, nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% tổng nguồn cung sản phẩm mới trong năm 2020 và "biến mất" trong năm 2021.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, thị trường đang trong tình trạng  bị mất cân bằng "cung-cầu" và mất cân đối "lệch pha" về phân khúc nhà ở cao cấp.

Điều này thể hiện rõ trong hai năm gần đây, nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% tổng nguồn cung sản phẩm mới trong năm 2020 và "biến mất" trong năm 2021. Trong khi đó, nhà ở cao cấp chiếm 74% tổng nguồn cung mới. Điều này dẫn đến nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất đai và thị trường bất động sản chưa tương xứng với tiềm năng.

Nguồn thu tiền sử dụng đất tại TP HCM trong giai đoạn 2016 - 2021 là 82.932 tỷ đồng, chỉ chiếm 5,9% tổng thu ngân sách, nhưng về tiềm năng thì nguồn thu này có thể đạt trên dưới 10%, báo cáo HoREA nêu rõ.

Lãnh đạo HoREA cho rằng, chính việc thị trường "thiếu cung" nhà ở trong khi "cầu lớn" dẫn đến tình trạng giá nhà đất liên tục tăng trong hơn 5 năm qua. Chỉ số giá nhà ở hiện cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của người dân. Nếu so với các nước công nghiệp phát triển, con số này chỉ ở mức 6 - 7 lần, ông Châu lấy dẫn chứng.

Trước những bất cập trên, Chủ tịch HoREA đề xuất hàng loạt giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, qua đó tháo gỡ khó khăn, bình ổn thị trường bất động sản.

Hiệp hội kiến nghị các địa phương đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên đấu thầu dự án cho thuê đối với các phần diện tích đất công thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được quy hoạch để phát triển khu lưu trú công nhân, khu nhà ở chuyên gia.

Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có thể được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án, hoặc hoán đổi 20% quỹ đất này bằng số lượng nhà ở xã hội, diện tích đất ở tương đương.

Luật nhà ở năm 2014 hiện chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ, trong đó có các nhà trọ, phòng trọ, nhưng không cho phép doanh nghiệp được đầu tư các loại hình này. Do đó, HoREA đề xuất các doanh nghiệp cũng nên được phép đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ nhằm tăng nguồn cung.

Với nhà ở thương mại, đơn vị này đề xuất bổ sung trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở. Đây sẽ là nguồn cung nhà ở dồi dào cho thị trường do thường là các dự án quy mô lớn. 

Nếu các dự án thuộc diện phải rà soát pháp lý, HoREA đề nghị xử lý theo hướng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, sau đó cho phép họ tiếp tục triển khai dự án và cấp sổ hồng cho khách hàng.

Trong trường hợp có đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở, hiệp hội cho rằng các địa phương cần khẩn trương ban hành tiêu chí tách thành dự án độc lập đối với phần đất công này. Nếu không đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì thực hiện giao, thuê đất cho chủ đầu tư để góp phần làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.

Tin Cùng Chuyên Mục