Nguồn cung căn hộ mới giảm
Đây là nhận định được VNDirect Research đưa ra tại báo cáo về ngành bất động sản (BĐS) mới đây. Báo cáo dẫn số liệu của CBRE cho biết, trong quý I vừa qua, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM giảm 48% so với cùng kỳ còn 884 căn, mức thấp nhất theo quý kể từ năm 2013, dẫn đến số căn hộ sơ cấp tiêu thụ trong quý giảm 53% so với cùng kỳ còn 1.247 căn.
Giá trung bình căn hộ sơ cấp tăng 7,7% so với cùng kỳ trong quý I/2022, tăng chậm lại so với mức 14,6% so với cùng kỳ trong quý I/2021 và 6,9% so với cùng kỳ trong quý IV/2021.
Đối với phân khúc nhà đất, giá thứ cấp trung bình một số khu vực giảm khoảng 5% so với cùng kỳ trong quý I/2022. Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng chung, phần còn lại của thành phố là khu Tây Bắc, giá đất lại có chiều hướng tăng mạnh.
Còn tại Hà Nội, báo cáo cho biết, nguồn cung mới nhà xây sẵn quý I cũng sụt giảm 24,7% so với cùng kỳ còn 296 căn. Lượng tiêu thụ căn hộ sơ cấp trong quý I/2022 tăng 16% lên 4.800 căn, trong khi nguồn cung mới giảm 20,3% so với cùng kỳ còn 3.525 căn. Giá trung bình căn hộ sơ cấp trong quý tăng ấn tượng 13,3% so với cùng kỳ lên 1.655 USD/m2.
Đơn vị này cũng đánh giá, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực BĐS và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các chủ đầu tư có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn trong vài quý tới.
“Do đó, hoạt động bán hàng có thể sẽ được đẩy mạnh trong khi mở rộng quỹ đất sẽ chậm lại, điều này có thể sẽ giúp giá nhà đất hạ nhiệt trong các quý còn lại năm 2022", VNDirect Research dự báo.
Về lâu dài triển vọng vẫn tích cực
Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng bước hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp, ... và giảm tỷ lệ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.
Thông tư 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ năm 2020 yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn xuống còn 34% từ T10/21 và 30% từ T10/22.
Do đó, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã chậm lại từ 26% năm 2018 xuống còn 12% năm 2021 và có thể giảm xuống 9-10% năm 2022.
Vào tháng 4 năm nay, để hạn chế đầu cơ bất động sản, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và hạn chế tín dụng đối với đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu cần giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp do rủi ro vi phạm phát hành và đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo nghiên cứu của Chứng khoán VnDirect, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm 40% tổng giá trị phát hành trong quý I/2022, với mức tăng trưởng lên tới 73,1% và 25,2% so với cùng kỳ trong năm 2021 và quý I/2022.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức làm ảnh hưởng đến triển vọng ngành. Cụ thể, lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà, giá vật liệu tăng có thể làm tăng giá nhà ở và thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản, giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Theo VNDirect, các chủ đầu tư có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn trong vài quý tới. Do đó, hoạt động bán hàng có thể sẽ được đẩy mạnh trong khi mở rộng quỹ đất sẽ chậm lại, giúp giá nhà đất hạ nhiệt trong các quý còn lại của năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản có quỹ sản phẩm sẵn sàng bán lớn và bảng cân đối tài chính lành mạnh sẽ vẫn có mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong 2022 - 2023. Về lâu dài, triển vọng thị trường vẫn tích cực.
Tại tọa đàm dự báo về kinh tế 2022 -2023, CEO FiinGroup Nguyễn Quang Thuân thừa nhận, ngành bất động sản không hồi phục ngoài nguyên nhân mang tính chu kỳ, còn lý do khác đó là 2 năm không làm được dự án do đại dịch, thiếu nguồn tiền và hiện nay lại gặp thách thức lớn khi bị siết tín dụng, mặc dù cầu về bất động sản vẫn rất lớn.
Khó khăn của ngành bất động sản theo ông Thuân sẽ có tác động đến một số ngành liên quan bao gồm: xây dựng và vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành ngân hàng…Ngành ngân hàng, tài chính vẫn phát triển tốt qua tâm dịch Covid-19, nhưng những khó khăn của ngành bất động sản hiện đối mặt có thể làm thay đổi bức tranh của ngành ngân hàng trong 2-3 năm tới đây.
Do đó, những thay đổi về chính sách cần tính đến những tác động tới hai ngành trụ cột của nền kinh tế: bất động sản và ngân hàng cũng như những tác động mang tính dây chuyền tới thị trường tài chính nói chung và các ngành liên quan của Việt Nam.