Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo thị trường nhà ở năm 2021 và xu hướng năm 2022 trên địa bàn thành phố. Theo đó, đơn vị này cho biết dù quy mô thị trường bất động sản, nhà ở tăng gấp đôi trong thời gian 2016 - 2021 nhưng TP HCM vẫn chưa giải quyết được bài toán nhà ở cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân lao động, giới trẻ và người nhập cư.
Cùng với đó là tình trạng lệch pha cung cầu, thừa nhà cao cấp trong khi đó nhà bình dân (giá rẻ) bị thiếu trầm trọng.
Tính trong năm 2021, TP HCM ghi nhận tổng số 14.443 căn nhà đủ điều kiện huy động vốn và được chào bán ra thị trường, trong đó căn hộ bình dân (giá bán dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm tỷ trọng 0%.
Ngược lại, trong rổ hàng hóa có đến 10.404 căn nhà cao cấp, hạng sang, siêu sang (giá hơn 40 triệu/m2), chiếm gần 74%, còn lại là nhà ở phân khúc trung cấp (giá bán 25 - 40 triệu đồng/m2), chiếm hơn 26%.
Theo HoREA, cơ cấu sản phẩm như năm 2021 là biểu hiện rõ nét cho thấy tình trạng lệch pha cung cầu, dễ rơi vào tình trạng phát triển mất cân đối, thiếu bền vững.
Về hoạt động chuyển nhượng dự án nhà ở, đơn vị này cho biết, trong năm 2021 chỉ có 1 dự án được chuyển nhượng do vướng mắc bởi quy định bên chuyển nhượng phải có Giấy chứng nhận (sổ đỏ), nên gặp khó trong hoạt động chuyển nhượng dự án. Trong lúc đó, điều kiện chuyển nhượng dự án khác (không phải dự án bất động sản, nhà ở) thì khá thông thoáng.
Hiệp hội cũng cảnh báo nạn sốt ảo, loạn giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ nhà đất xuất hiện trong năm 2021 và đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong 2 tháng đầu năm nay. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm xử lý kịp thời các đầu nậu, cò nhà đất (môi giới), doanh nghiệp tạo sốt ảo để trục lợi.
HoREA khuyến nghị năm 2022 cần thêm nhiều cơ chế chính sách để giám sát thị trường bất động sản; đồng thời khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền (có giá thành phù hợp với thu nhập đại đa số người dân) nhằm cân bằng thị trường, đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.