Đem đến Shark Tank Việt Nam mùa 7 công nghệ lọc nước mới giữa rất nhiều công nghệ lọc nước hiện có trên thị trường, Đỗ Hữu Quyết, Tiến sĩ nghiên cứu công nghệ đến từ Đại học bang Florida Mỹ, Nhà sáng lập kiêm CEO của công ty cổ phần Maxdream tiết lộ, “những chiếc máy lọc nước ứng dụng công nghệ lọc điện CDI (Capacitive deionization – khử ion điện dung) của ông có thể giải quyết 3 vấn đề.
Thứ nhất là công nghệ lọc chất độc ra khỏi nước, lọc được các chất độc nhỏ như phân tử nước và các khí độc, thậm chí diệt các con virus nhỏ cũng như diệt khuẩn.
Thứ hai là lọc thông minh, Maxdream xây dựng 5 cơ chế lọc, loại được chất độc mà giữ lại phần lớn các khoáng chất.
Thứ ba, máy lọc nước Maxdream có hai chế độ điều chỉnh khoáng chất khác nhau đáp ứng các khẩu vị khác nhau.
Về mặt công nghệ, đội ngũ sáng lập cho biết đây là công nghệ xanh giúp tiết kiệm nước, giảm 5 lần lượng nước thải, giảm được hơn một nửa lượng lõi lọc phải thay thường xuyên cũng như lượng điện và không sử dụng hóa chất độc hại.
Theo Nguyễn Ngọc Linh Chi, Thạc sĩ kinh tế, phụ trách kinh doanh của Maxdream, đã có các startup trên thế giới bắt đầu công nghệ này nhưng chưa phổ biến vì nó rất đắt tiền so với công nghệ truyền thống. Nhưng với kinh nghiệm nghiên cứu ở Mỹ, tiến sĩ Đỗ Hữu Quyết cùng đội ngũ đã thiết kế ra sản phẩm Maxdream với chi phí giảm từ 3 đến 6 lần.
Đến Shark Tank, Maxdream gọi vốn 5 tỷ đồng cho 7% cổ phần.
Về tình hình kinh doanh, đội ngũ sáng lập cho biết đã đầu tư vào Maxdream gần 1 triệu USD, qua hơn 3 năm phát triển đã có hơn 1.000 khách hàng trải nghiệm, trong đó có 30% các khách hàng đã dùng sản phẩm và giới thiệu lại cho Maxdream những khách hàng mới. Doanh số năm 2023 là 5 tỷ và dự kiến 2024 là 10 tỷ thực hiện trên hai thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Về quy mô thị trường, đội ngũ cho biết với máy lọc nước ăn uống có quy mô 10.000 tỷ, máy lọc tổng 5.000 tỷ. Maxdream mong muốn đạt được doanh số năm 2028 là 360 tỷ, đặt mục tiêu xuất khẩu trong khoảng từ 3 đến 5 năm nữa.
Khi nghe startup nói rằng đây là công nghệ của cả thế giới chứ không phải do đội ngũ tự sáng chế, Shark Lê Mỹ Nga nêu băn khoăn về tính độc quyền của sản phẩm. Tuy nhiên, anh Đỗ Hữu Quyết giải thích rằng, mặc dù không độc quyền công nghệ CDI, Maxdream độc quyền cách chế tạo máy, vật liệu chế tạo để làm sao giảm được chi phí. Lõi lọc, hệ thống điều khiển, thiết kế và các quy trình lọc đều đã được Maxdream đăng ký giải pháp hữu ích hoặc sáng chế.
Shark Nga hỏi về cơ chế máy lọc nước Maxdream diệt vi khuẩn. Trả lời Shark, Founder cho biết cơ chế là tạo ra điện trường cao gấp 10 lần điện trường kích cá, diệt cá, diệt được những con virus rất nhỏ, đặc biệt với cơ chế này virus rau khi bị tiêu diệt sẽ khó tái sinh.
Nhận thấy công nghệ hữu ích, Shark Minh Beta đặt câu hỏi “lý do gì mà những cái tập đoàn lớn họ không phát triển sản phẩm theo cái công nghệ CDI này?” Trả lời Shark, chị Nguyễn Ngọc Linh Chi cho biết đã có một số tập đoàn đến làm việc với Maxdream để phát triển sản phẩm. Tuy nhiên một với một cái mới nó sẽ giẫm chân thông điệp truyền thông cái trước đó họ tạo ra nên để phát triển cái mới sẽ phải nghiên cứu và rất là từ tốn.
Với công nghệ mới, Shark Minh Beta băn khoăn việc một người tiêu dùng bình thường có thực sự cảm nhận được sự cần thiết của việc có khoáng trong nước không và làm sao để họ tin một công ty còn đang rất mới như Maxdream sẽ đảm bảo được chuyện có đủ những khoáng cần thiết trong nước?
Với băn khoăn của Shark Minh Beta, Nhà sáng lập cho biết phải truyền thông và phải educate (giáo dục) khách hàng. Maxdream đã phải sử dụng những KOL, KOC và những khách hàng để review (đánh giá), rất tốn kém chi phí.
Bên cạnh đó, với những sản phẩm như máy lọc tổng đầu nguồn hay lọc cho tổ chức trường học, bệnh viện đó là những sản phẩm có con số đo lường cụ thể bằng chứng nhận vì thế bớt phần educate khách hàng. Cụ thể là chứng nhận máy lọc nước quốc gia theo tiêu chuẩn của Bộ Khoa học có các cơ quan kiểm định ở Việt Nam và thuộc trực thuộc nhà nước.
Nhận thấy startup nhắc nhiều đến vấn đề educate thị trường, Shark Bình chia sẻ việc startup đi educate thị trường ông ví von như “một con kiến đi đẩy cả hòn đá”, rất rủi ro cho nhà đầu tư. Về công nghệ của máy lọc nước, ông cho rằng người tiêu dùng sẽ khó phân biệt sự khác biệt. Đặc biệt việc educate thị trường của startup sẽ vô nghĩa nếu các công ty lớn nhảy vào cuộc. Do không hợp khẩu vị nên Shark Bình từ chối đầu tư.
Shark Tillman Schulz và Shark Phi Vân cũng lần lượt từ chối.
Shark Minh Beta cho biết không có quá nhiều giá trị để đóng góp cho startup trong thời điểm này và đây cũng không phải là lĩnh vực Shark có nhiều hiểu biết nên không đầu tư.
Với bề dày kiến thức trong việc đầu tư các startup ứng dụng công nghệ, tạo giá trị mới cho thị trường, Shark Lê Mỹ Nga đánh giá máy lọc nước Maxdream là sản phẩm tiềm năng.
Shark Nga cho biết thể hỗ trợ Maxdream huy động vốn phi lợi nhuận của quốc tế cho chương trình an sinh xã hội lên đến 10 triệu USD, tức là sẽ hỗ trợ bằng việc tư vấn làm hồ sơ để ứng tuyển chương trình an sinh xã hội của quốc tế hỗ trợ cho các dự án an sinh xã hội Việt Nam và các chương trình nước sạch.
Không chỉ hướng dẫn việc gọi thêm vốn, phía Shark Nga sẽ hỗ trợ thiết kế lại mô hình và phát triển thị trường cho dòng thương mại. Ngoài ra, Shark cho biết cũng là Nhà đồng sáng lập của một hiệp hội khu công nghiệp chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp FDI vào các khu công nghiệp Việt Nam nên có thể hỗ trợ Maxdream phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp này. Shark Nga ra deal 5 tỷ đồng cho 7% cổ phần, cấu trúc là 1 tỷ đồng tiền mặt, 4 tỷ đồng còn lại là công sức để hỗ trợ Maxdream huy động nguồn vốn.
Sau khi thảo luận, đội ngũ đồng ý deal của Shark Nga, khép lại thương vụ gọi vốn thành công.