Shark Tank Việt Nam mùa 7: Startup mang ước mơ bình dân hóa bát mì ramen tại Việt Nam khiến các shark tung offer 'cực xịn'

An An

Mong muốn có sự đồng hành của cả vị cá mập mạnh về kênh phân phối lẫn cá mập nhượng quyền, startup chốt deal thành công với Shark Phi Vân và Shark Bình, với mức đầu tư 2,5 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần.

Startup bán mì Ramen chốt deal 2,5 tỷ đồng cho 25% cổ phần thành công

Startup xuất hiện đầu tiên trên Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 1 là Seichou Machi Ramen – startup mang ước mơ bình dân hóa bát mì ramen tại thị trường Việt Nam.

Mì ramen là một món ăn quốc dân trứ danh của Nhật Bản, có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên “đất nước mặt trời mọc”. Tuy vậy, khi về đến Việt Nam thì giá thành của món ăn này lại khá cao, từ khoảng 150.000 – 250.000 đồng/bát nên thực khách khó có thể thưởng thức thường xuyên.

Năm 2019, trở về Việt Nam sau 4 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, Nguyễn Văn Duy và Đặng Hồng Nhung nhận thấy giá thành một bát mì ramen ở Việt Nam có thể giảm xuống so với mặt bằng chung. 

Shark Tank Việt Nam mùa 7: Startup mang ước mơ bình dân hóa bát mì ramen tại Việt Nam khiến các shark tung offer 'cực xịn' - Ảnh 1

Tính toán sử dụng nông sản Việt để hạ giá thành, hai nhà đồng sáng lập thuê một gian hàng 13 m2 tại phố chợ Hòe Nhai, Hà Nội, bán bát mì ramen với giá 55.000 đồng/bát (giá thành hiện giờ ở mức 89.000 – 109.000 đồng/bát).

Hiện Duy và Nhung đã có một nhà hàng 90m2 bán mì ramen thủ công, đồng thời nghiên cứu cho ra đời mì ra men đông lạnh, thuộc dòng ready-to-eat, chỉ cần hâm nóng là sử dụng được.

Đến Shark Tank Việt Nam mùa 7, Nguyễn Văn Duy chia sẻ định hướng phát triển của startup là mở rộng chuỗi cửa hàng mì tươi thủ công, đồng thời sản xuất mì ramen cấp đông để phục vụ tới nhiều người tiêu dùng hơn.

Để thuyết phục các Shark đầu tư 2,5 tỷ đồng đổi lấy 12,5% cổ phần, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Seichou Machi Ramen cũng phân tích về lợi thế của hai mô hình kinh doanh này.

Với mô hình chuỗi, chỉ cần đầu tư khoảng 600 - 800 triệu đồng đã có thể mở một cửa hàng có diện tích khoảng 90m2, phục vụ cùng lúc được khoảng 45 khách. Giá bán một tô mì dao động từ 84.000 - 114.000 đồng, chi phí giá vốn chiếm từ 28 – 30%, ebitda (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) rơi vào khoảng 25%.

Với cửa hàng đang mở hiện tại, lợi nhuận startup đạt được mỗi tháng khoảng 120 triệu đồng. Còn với sản phẩm mì ramen cấp đông thì phân phối online (trực tuyến), giá bán lẻ trung bình từ 50 – 55.000 đồng/bát/vị, giá vốn từ 15.000 – 17.000 đồng bao gồm cả chi phí nhân công và đóng gói bao bì.

Shark Tank Việt Nam mùa 7: Startup mang ước mơ bình dân hóa bát mì ramen tại Việt Nam khiến các shark tung offer 'cực xịn' - Ảnh 2

“Mì Ramen của bọn em là mì tươi được cấp đông, đóng gói và bán. Khi dùng chỉ cần đun lên hoặc rã đông bằng lò vi sóng… So với mì khô thì mì cấp đông có hương vị gần giống mì thủ công phục vụ tại các nhà hàng”, Nguyễn Văn Duy và vợ là Đặng Hồng Nhung lần lượt chia sẻ.

Với số vốn 2,5 tỷ kêu gọi tại Shark Tank, vợ chồng Duy – Nhung dự kiến dùng 1,5 tỷ để mở thêm 2 nhà hàng mới, 1 tỷ phát triển sản xuất sản phẩm đông lạnh. Đến năm 2025 sẽ tiếp tục kêu gọi 1,5 triệu USD đầu tư từ một doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản.

Shark Minh Beta cảm thấy chưa được thuyết phục nên ông quyết định không đầu tư.

Shark Hưng cũng từ chối thương vụ bởi không có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm đông lạnh đóng gói.

Khác với Shark Hưng và Shark Minh Beta, ba vị “cá mập” còn lại lại rất hào hứng với thương vụ này.

Với thế mạnh về xây kênh, bán hàng online (trực tuyến) và có thể giúp startup kết nối với các KOC nổi tiếng, Shark Nguyễn Văn Thái đề nghị đầu tư 2,5 tỷ cho 35% cổ phần mảng sản xuất sản phẩm cấp đông.

Trong khi đó, Shark Bình từng nghiên cứu về lĩnh vực thực phẩm cấp đông nhanh và tự tin với hệ sinh thái Next Commerce chuyên tư vấn, triển khai D2C (direct to consumer – bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng) cho các startup, các nhãn hàng cũng đề nghị đầu tư 2,5 tỷ để đổi lấy 25% cổ phần.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển chuỗi và nhượng quyền quốc tế, Shark Phi Vân đề nghị đầu tư 2,5 tỷ cho 35% cổ phần, đồng thời sẽ giúp startup ký nhượng quyền master với giá trị từ khoảng 500.000 - 1 triệu USD/hợp đồng.

Mong muốn có sự đồng hành của Shark Bình, Nguyễn Văn Duy đàm phán số vốn đầu tư 2,5 tỷ đồng sẽ đổi lấy 13,5% cổ phần nhưng chưa được Chủ tịch NextTech đồng ý.

Shark Tank Việt Nam mùa 7: Startup mang ước mơ bình dân hóa bát mì ramen tại Việt Nam khiến các shark tung offer 'cực xịn' - Ảnh 3

Quyết không bỏ lỡ startup hợp khẩu vị đầu tư, Shark Phi Vân nhấn mạnh rằng bà sẽ giúp startup ký master franchise (hợp đồng nhượng quyền độc quyền theo khu vực, lãnh thổ) chứ không phải là mở rộng từng cửa hàng một.

Bị thuyết phục bởi Shark Phi Vân, Nguyễn Văn Duy đề xuất bà cùng Shark Bình kết hợp đầu tư cho Seichou Machi Ramen.

Mong muốn có sự đồng hành của cả vị cá mập mạnh về kênh phân phối lẫn cá mập nhượng quyền, startup chốt deal thành công với Shark Phi Vân và Shark Bình, với mức đầu tư 2,5 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần.

Tin Cùng Chuyên Mục