Tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” được tổ chức sáng nay (1/12), ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho biết hiện cả nước chỉ còn 29 nhà máy mía đường, giảm 27,5% so với 2019 trở về trước.
Dự báo sẽ có thêm 4 nhà máy (Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong) tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu và hoạt động không hiệu quả.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam một trong những nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng vừa nêu là do tác động của đường giá rẻ tràn lan, khiến giá đường nội địa giảm xuống mức rất thấp, dẫn đến giá mía cũng xuống đáy.
Giá mua mía thấp khiến nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu trong niên vụ vừa qua suy giảm trầm trọng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm, sau khi trừ đi lượng đường đã xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước.
Trong đó, lượng nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%). Đồng thời, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma cũng tăng.
Hiệp hội này cũng cho biết ngành đường Việt Nam thiệt hại nặng nề từ những năm trước do gian lận thương mại đường nhập lậu, chủ yếu là đường phá giá xuất phát từ Thái Lan.
Trong khi các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ 2010 và 2015, nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp bảo vệ ngành mía đường trong nước.
"Việt Nam có đầy đủ cơ sở dữ liệu xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài (theo các định nghĩa của quy tắc thương mại của WTO).
Đồng thời, chúng ta còn có bằng chứng rõ ràng về đường nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, cũng như có mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước", ông Lộc nói.
Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường đề xuất Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường.
Việc này nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước khác trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống.
Liên quan đến nội dung này, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Bộ đang điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan; điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
"Cục sẽ điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương để thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước những hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải lại cho rằng sự chuyển biến của ngành đường chưa rõ ràng trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
"Chúng tôi chưa thấy có sự cố gắng vươn lên để liên kết và đổi mới thực sự vượt qua hội nhập. Do đó, đây là thời điểm cần thiết, cấp bách để giúp ngành đường đi lên, góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội", ông Trần Thanh Hải nói.
Link bài gốc