Ngày pháp luật

Ngành mía đường gặp khó

Theo Người Lao động

Ngành mía đường đang hết sức khó khăn khi phải mở cửa cho đường nhập khẩu theo các cam kết hội nhập, sức mua của thị trường trong nước giảm sút

Ngày 16/10, thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết vụ ép 2019-2020, sản lượng nguyên liệu đưa vào chế biến chỉ đạt 7.662.235 tấn mía, trong khi kế hoạch dự kiến của các nhà máy lên đến 9.750.475 tấn, thấp nhất kể từ niên vụ 1999-2000.

Dự báo sai

Cả nước hiện có 29 nhà máy hoạt động, sản lượng đường sản xuất là 913.397 tấn, giảm 405.979 tấn, tương đương 34,58% so với vụ trước. Trong đó, đường sản xuất từ mía là 767.954 tấn, còn lại từ đường thô nhập khẩu là 145.443 tấn.

VSSA nhìn nhận từ cuối năm 2019, khi bắt đầu vào vụ ép mía 2019-2020, với dự báo thiếu nguồn cung đường trong năm 2020, giá đường có xu hướng tăng vào đầu vụ và việc tiêu thụ hàng tồn kho của vụ trước sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, bước vào năm 2020, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho ngành đường và dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu giảm sút, giá đường giảm, việc tiêu thụ trở nên khó khăn. Trong lúc đó, việc nhập khẩu đường đã bùng nổ với lượng nhập rất lớn.

Doanh nghiệp sản xuất đường gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Tấn Thạnh.
Doanh nghiệp sản xuất đường gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Ảnh: Tấn Thạnh.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu Việt Nam gia tăng đột biến, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam là chủ yếu (89,94%).

Ông Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch VSSA, cho biết tính đến 9 tháng đầu năm nay, lượng đường nhập khẩu tới trên 1 triệu tấn, trong đó 90% là đường Thái Lan, vượt sản lượng sản xuất trong nước.

"Một lượng lớn đường từ đầu năm đã tràn ngập thị trường khiến nguồn cung dư thừa trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp, dẫn đến giá đường trên thị trường duy trì ở mức thấp, thấp hơn giá thành sản xuất. Đường sản xuất từ mía hầu như không tiêu thụ được", ông Đương nói.

Từ đó, các nhà máy chỉ có 2 sự lựa chọn. Một là tiếp tục tồn kho đường để đối mặt với tình trạng cạn kiệt dòng vốn hoạt động. Hệ quả là kinh phí sửa chữa bảo dưỡng thu hẹp, quỹ lương công nhân bị cắt xén, phải nợ lương, thậm chí một số nơi còn chưa thanh toán hết tiền mua mía cho nông dân dù vụ ép đã kết thúc 3-4 tháng.

Hai là chấp nhận bán lỗ một số lượng đường để duy trì dòng tiền hoạt động và chấp nhận đối mặt với một viễn cảnh còn tồi tệ hơn là sự giảm sút doanh thu và lợi nhuận trong báo cáo tài chính dẫn đến phản ứng tất nhiên từ các ngân hàng như thu hẹp hạn mức tín dụng, thắt chặt điều kiện giải ngân, ông Đương thừa nhận.

Bảo vệ sản xuất trong nước

Theo VSSA, trong khối ASEAN có 4 quốc gia sản xuất mía đường chính là Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Việt Nam đã cam kết ATIGA và nghiêm túc thực hiện thông qua việc gỡ bỏ hoàn toàn hạn ngạch nhập khẩu đường từ ngày 1/1/2020.

Tuy nhiên, các quốc gia còn lại trên thực tế đã không hề mở cửa thị trường đường với việc áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ thị trường đường của mỗi nước. Như Philippines thực hiện cam kết ATIGA từ năm 2015, đường có nguồn gốc ASEAN được tự do nhập khẩu nhưng phải đưa vào kho, chỉ được đưa ra tiêu thụ theo sự điều phối của cơ quan quản lý.

Ngành đường Philippines đã từng bị tổn hại nghiêm trọng do sự gia tăng nhập khẩu đường lỏng siro bắp (HFCS) từ Trung Quốc. Để đối phó, Philippines đã áp thuế tiêu thụ nước giải khát chứa HFCS gấp đôi mức thuế cho nước giải khát dùng đường và đã chặn đứng được dòng sản phẩm nhập khẩu này. Với những biện pháp như trên, mặc dù đã thực hiện cam kết ATIGA nhưng Philippines vẫn duy trì giá đường nội địa ở mức cao, bảo đảm thu nhập cho nông dân trồng mía.

Trước sự gia tăng đột biến của lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan, cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm mía đường từ Thái Lan.

Vào đầu tháng 10, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã gửi bảng câu hỏi điều tra cho tất cả doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài mà cơ quan điều tra biết và chính phủ Thái Lan để trả lời bảng câu hỏi điều tra. Thời hạn để trả lời bảng câu hỏi điều tra là trước 17 giờ ngày 13/11/2020 (theo giờ Hà Nội).

Do đó, VSSA kiến nghị Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế. Đặc biệt, đăng ký công bố áp dụng đường là mặt hàng nhạy cảm cao theo điều 24 của ATIGA đối xử đặc biệt cho đường và gạo như Philippines và Indonesia đã và đang áp dụng.

Giải pháp trong tình hình mới

Trước khó khăn của ngành mía đường, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho hay đang triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới (ban hành giữa tháng 7-2020). Quan điểm của Chính phủ với ngành mía đường là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế một cách bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật kinh tế thị trường; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường bảo đảm hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đối với Bộ Công Thương, chỉ thị nêu rõ cần chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu sản phẩm đường phù hợp với tình hình mới.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục