Gã khổng lồ Alibaba gia nhập vũ trụ ảo
Theo South China Morning Post, gã khổng lồ Alibaba vừa đăng ký thành lập công ty mới tại Bắc Kinh với tên gọi là Yuanjing Shengsheng để tham gia lĩnh vực game trên nền tảng Metaverse. Đây được cho là nỗ lực của "ông lớn" ngành thương mại điện tử Trung Quốc trong cuộc đua trên thị trường vũ trụ ảo Metaverse - nơi được coi là tương lai của Internet.
Vốn điều lệ của Yuanjing Shengsheng là 1,6 triệu USD, hoạt động kinh doanh chính là phát triển phần mềm và dịch vụ có liên quan đến Metaverse. Nhiều chuyên gia nhận định, việc thành lập đơn vị mới đề cao sự quan tâm của Alibaba đối với Metaverse, một không gian ảo 3D nơi mọi người có thể nhập vai, chia sẻ, tương tác và giao dịch cùng nhau.
Nhà phân tích cấp cao về lĩnh vực game tại công ty tư vấn Omdia có trụ sở tại London, Chenyu Cui, nhấn mạnh: "Động thái mới này phản ánh chiến lược của Alibaba đối với metaverse, đó là nỗ lực tận dụng ưu thế về công nghệ điện toán đám mây và công nghệ tiên tiến để thiết lập cơ sở hạ tầng thiết yếu cho thị trường metaverse".
Quyết định thành lập Yuanjing Shengsheng được đưa ra chỉ hai tháng sau khi nhóm kinh doanh trò chơi trên nền tảng điện toán đám mây của Alibaba ra mắt thương hiệu mới có tên tương tự. Tại thời điểm đó, Alibaba cho biết, nền tảng này sẽ cung cấp các nguồn lưu trữ miễn phí cho nhà phát triển trò chơi trên nền tảng điện toán đám mây quy mô vừa và nhỏ.
Cuộc đua khốc liệt trên thị trường metaverse Trung Quốc
Trong những tháng gần đây, cuộc chạy đua trên thị trường metaverse tại Trung Quốc diễn ra ngày càng gay gắt, ngay cả khi chính quyền Bắc Kinh đưa ra nhiều biện pháp siết chặt quản lý.
Cuối tuần trước, công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc thông báo sẽ ra mắt sản phẩm Metaverse đầu tiên trong tháng này với tên gọi là Land of Hope. Đây là một không gian 3D ảo, đóng vai trò trung tâm tương tác trực tuyến cho hội nghị các nhà phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của Baidu vào cuối năm nay.
Đây đồng thời cũng là hội nghị đầu tiên tại Trung Quốc được tổ chức dưới dạng 3D trên nền tảng công nghệ metaverse. Baidu cảm thấy tự hào khi nền tảng của họ có thể xử lý, cho phép khoảng 100.000 người tham gia tương tác cùng lúc.
Những ông lớn công nghệ khác như Tencent, NetEase, Alibaba không chịu thua khi đều nhanh chân đăng ký nhãn hiệu liên quan đến metaverse để mở đường cho kế hoạch tương lai xung quanh "vũ trụ" này.
Theo công ty nghiên cứu kinh doanh Qichacha tiết lộ, gã khổng lồ Alibaba đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu các thuật ngữ tiếng Trung cho "Ali Metaverse", "Taobao Metaverse" và "DingDing Metaverse". Trong đó, Taobao là tên thị trường trực tuyến hàng đầu của Alibaba, trong khi DingTalk là ứng dụng trò chuyện của công ty này.
Vào tháng 9, Tencent, chủ sở hữu của siêu ứng dụng đa năng WeChat đồng thời là nhà điều hành hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, cũng đã đệ trình đăng ký gần 100 nhãn hiệu liên quan đến Metaverse. Đó là những cái tên bao gồm "QQ Metaverse", "QQ Music Metaverse" và "Kings Metaverse", tương ứng với tên của ứng dụng nhắn tin, nền tảng phát nhạc trực tuyến và nền tảng trò chơi di động của công ty Honor of Kings.
Những nền tảng xem video trực tuyến Kuaishou và iQiyi, cũng như nhà sản xuất ô tô điện Li Auto, cũng đang tìm cách đăng ký nhãn hiệu metaverse của riêng mình.
Metaverse - thuật ngữ do nhà văn người Mỹ Neal Stephenson đặt ra cho cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash năm 1992 - đề cập đến thế giới ảo sống động như thật. Ở thế giới ảo đó, mọi người vẫn có thể gặp gỡ, làm việc và giải trí bằng thiết bị bao gồm tai nghe thực tế ảo, bảng điều khiển trò chơi điện tử và tiện ích cung cấp công nghệ thực tế tăng cường (AR) như điện thoại thông minh và kính thông minh.
Matthew Kanterman, nhà phân tích cấp cao tại Bloomberg Intelligence nhận định, cho tới hiện tại, các khoản đầu tư và thông báo của Alibaba về Metaverse vẫn đang xoay quanh vấn đề cơ sở hạ tầng, tận dụng kiến thức chuyên môn về điện toán đám mây và phân tích dữ liệu nhằm cung cấp công cụ cho người khác xây dựng trải nghiệm metaverse.
"Những công ty mới này có thể giúp tập đoàn Alibaba tạo ra trải nghiệm mới với chính khách hàng của mình. Ngoài ra, điều này cũng giúp gã khổng lồ này tạo ấn tượng hơn, trở thành đề tài được bàn luận nhiều trong tương lai thay vì chỉ tập trung vào mảng cốt lõi thương mại điện tử. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để nói về kết quả", ông Kanterman nhấn mạnh.