Ngày pháp luật

FPTS và Agriseco vay thêm hàng nghìn tỷ đồng từ ACB

Lạc Lạc

Hai công ty chứng khoán FPT (FPTS) và Agribank (Agriseco) vừa được Ngân hàng Á Châu (ACB) phê duyệt các hạn mức tín dụng mới với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác cũng đang tích cực cấp vốn cho khối công ty chứng khoán.

Cụ thể, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS, mã FTS - HOSE) vào ngày 15/5 đã thông qua hạn mức vay vốn ngắn hạn trị giá 2.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Khoản vay này có hiệu lực đến hết ngày 11/5/2026.

Mục đích vay vốn của FPTS được công bố là để bổ sung vốn lưu động chi trả chi phí vận hành, đầu tư mua trái phiếu Chính phủ, hoàn vốn các giao dịch mua/đầu tư trái phiếu Chính phủ, mua hoặc đầu tư trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành, và bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ (margin). Tài sản bảo đảm cho khoản vay bao gồm trái phiếu Chính phủ, hợp đồng tiền gửi, và các giấy tờ có giá khác thuộc sở hữu của FPTS tại ACB hoặc do các tổ chức tín dụng được ACB chấp thuận phát hành.

Tại thời điểm 31/3/2025, tổng dư nợ vay của FPTS là gần 6.088 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và chiếm 57% tổng nguồn vốn. Báo cáo tài chính quý I/2025 của FPTS cũng ghi nhận khoản vay 500 tỷ đồng tại ACB với lãi suất từ 5,1% đến 6%/năm. Các đối tác cho vay lớn khác của công ty bao gồm VIB, MSB, VPBank, Vietcombank, VietinBank.

Cùng ngày 15/5, HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco, mã AGR - HOSE) cũng phê duyệt việc thiết lập hạn mức vay vốn 500 tỷ đồng tại ACB. Trong đó, hạn mức tín dụng chấp là 200 tỷ đồng và hạn mức tín dụng có tài sản bảo đảm là 300 tỷ đồng. Khoản vay này có thời hạn một năm, được tính từ ngày 15/3/2025.

Mục đích vay vốn của Agriseco có nhiều điểm tương đồng với FPTS, bao gồm mua trái phiếu Chính phủ, hoàn vốn cho các giao dịch mua/đầu tư trái phiếu Chính phủ, và bổ sung vốn lưu động để chi trả chi phí vận hành. Các điều khoản về tài sản bảo đảm cũng tương tự. Tính đến cuối quý I/2025, Agriseco có dư nợ vay 322 tỷ đồng, toàn bộ là vay ngắn hạn và chiếm 11% tổng nguồn vốn, giảm 64% so với đầu năm. Công ty cho biết các khoản vay này đến từ các tổ chức tín dụng với lãi suất từ 4,5% đến 5,3%/năm, phục vụ hoạt động kinh doanh.

Hoạt động cấp hạn mức tín dụng của ACB cho các công ty chứng khoán, đặc biệt hướng đến đầu tư vào kênh trái phiếu và bổ sung vốn lưu động, diễn ra khá sôi động trong thời gian gần đây. Trước đó, vào ngày 6/5, HĐQT Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) cũng đã thông qua hợp đồng cấp tín dụng tại ACB với hạn mức 800 tỷ đồng.

Không chỉ ACB, thị trường trong tháng 5/2025 còn ghi nhận trường hợp Ngân hàng BIDV cấp hạn mức 1.000 tỷ đồng cho Chứng khoán Rồng Việt (VDS). HĐQT Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) cũng đã phê duyệt việc gia hạn thời gian cho hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng tại Vietcombank.

Tin Cùng Chuyên Mục