Công Ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) sau 4 năm sự cố môi trường và 2 năm đi vào vận hành lò cao số 2, hiện đang là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tàu của tỉnh Hà Tĩnh.
FHS nhận được Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 12 tháng 6 năm 2008. Hiện nay dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương là dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với vốn điều lệ 5,5 tỷ USD. Cổ đông lớn nhất của FHS là tập đoàn sản xuất nhựa Đài Loan (Trung Quốc) Formosa Plastic nắm hơn 70% cổ phần, tiếp theo là Taiwan Steel nắm giữ 20% và cuối cùng là công ty thép Nhật Bản nắm 4%.
Quy hoạch dự án gồm hai kỳ bốn giai đoạn, kỳ thứ nhất dự kiến sản xuất thép thô và tiêu thụ các loại thép như: thép cuộn cán nóng thô, thép cuộn cán nóng, thép thanh cuộn, thép dây cuộn…
Formosa hiện có 2 lò cao, với công suất 7,1 triệu tấn thép thô mỗi năm. Năm 2019, sản lượng thép của Formosa đạt gần 5,1 triệu tấn (tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2018). Formosa có kế hoạch xây lò cao thứ 3 để nâng công suất lên 22,5 triệu tấn/năm.
Quy mô vốn 5,5 tỷ USD, lỗ lũy kế hơn 1 tỷ
Theo số liệu của chúng tôi, năm 2019 doanh thu Formosa Hà Tĩnh đạt 71.664 tỷ đồng, tăng 11,66% so với năm 2018 (64.175 tỷ). Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế của công ty này lỗ 11.538 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 2.727 tỷ đồng.
Như vậy tính ở thời điểm này Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế lên đến 25.388 tỷ đồng, tương đương gần 1,1 tỷ USD, bằng 1/5 vốn điều lệ.
Trong khi đó, doanh nghiệp thép trong nước là Hòa Phát, vốn điều lệ 33.132,8 tỷ, bằng 1/3 của Formosa, tuy nhiên bình quân mỗi năm lợi nhuận của Hòa Phát mang về hơn 9.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến mức lỗ 2019 của Formosa Hà Tĩnh cao đột biến là do chi phí đầu vào tăng mạnh kéo lãi gộp năm 2019 chỉ đạt chưa đến 800 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp chỉ đạt 1,1% so với hơn 17% của Hòa Phát.
Những tháng đầu năm, sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phôi thép, thép thành phẩm của Công ty Formosa giảm mạnh do hiện nay giá thép thành phẩm liên tục giảm, giá nguyên liệu tiếp tục tăng cao.
Cùng với đó là ảnh hưởng của dịch Covid-19 và ngừng hoạt động để bảo dưỡng sửa chữa máy móc dây chuyền cán nóng 20 ngày trong tháng 1 và 10 ngày trong tháng 2.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép, 7 tháng đầu năm 2020, Formosa Hà Tĩnh sản xuất được 369.650 tấn thép xây dựng, giảm 5,12% so với cùng kỳ năm trước, bán hàng 373.310 tấn, chiếm 6,5% thị phần tổng lượng thép bán cả thị trường.
Hưởng lợi lớn từ cuộc chiến Mỹ - Trung
Với sản phẩm thép cán nóng HRC, Formosa sản xuất thép cuộn cán nóng đạt 1.943.260 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ; Bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 1.929.780 tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 275.240 tấn, giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính từ đầu tháng 3 tới nay, giá HRC tăng gần 30% từ 3.170 nhân dân tệ/tấn lên tới 4.080 nhân dân tệ/tấn. Truyền thông quốc tế cho biết giá HRC tại Việt Nam tiếp tục tăng sau khi Formosa Hà Tĩnh tăng giá chào tháng 10.
Giá nhập khẩu thép cuộn cán nóng cũng tăng sau quyết định tăng giá của Formosa Hà Tĩnh. Công ty tăng giá chào bán 45 USD lên 507-512 USD/tấn đối với các công ty trong nước, trong khi thép ống được chào ở mức 497-507 USD/tấn. Các nhà máy thép của Ấn Độ đã tăng giá chào hàng của họ lên 530 USD/tấn tại Việt Nam trong khi chờ kết quả đàm phán của Formosa.
Ở thời điểm hiện tại duy nhất Formosa sản xuất HRC thương mại, trong khi đó, Hòa Phát sẽ cung cấp HRC ra thị trường vào cuối tháng 9/2020, sau khi lò cao số 3 của dự án chính thức đi vào sản xuất từ cuối tháng 8. Công suất thiết kế của lò cao số 3 đạt khoảng 12-13.000 tấn HRC/ngày.
Năm 2021, khi lò cao số 4 của Hòa Phát đi vào hoạt động, sản lượng thép của Hòa Phát sẽ đạt 8 triệu tấn/năm, vượt Formosa trở thành tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Việt Nam. Khi đó, Formosa sẽ không giữ vị trí độc tôn sản xuất HRC tại Việt Nam.
Điều gì sẽ xảy ra khi cả Hòa Phát và Formosa đều sản xuất HRC? Số liệu của Hiệp hội thép cho thấy 6 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu thép về nước ta đạt 6,7 triệu tấn với trị giá trên 4,01 tỷ USD, giảm 6,2% về lượng và giảm 16,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy với hơn 4 tỷ USD nhập khẩu, cuộc chơi của các nhà sản xuất thép trong nước vẫn còn nhiều đất diễn.
Theo một nhận định gần đây của Nikkei, Formosa được cho là doanh nghiệp hưởng lợi từ cuộc chiến Mỹ - Trung khi Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp thuế tối đa 456% lên các sản phẩm thép của Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Trước quyết định này của Bộ Thương mại Mỹ, Việt Nam khuyến khích các nhà sản xuất thép sử dụng nguồn nguyên liệu được sản xuất ngay trong nước.
Nhu cầu thép cuộn cán nóng từ FHS và sắp tới là Hòa Phát được dự báo sẽ tăng trong bối cảnh các công ty phải tìm nguồn cung thay thế cho vật liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Link bài gốc