Thị trường chứng khoán Mỹ phiên cuối tháng 30/11 có phiên "đỏ lửa" khi giới đầu tư chốt lãi sau đợt tăng nóng vào tuần trước.
Chốt phiên, Dow Jones sụt 272 điểm, tương đương 0,9% và đóng cửa ở 29.639 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đóng cửa với mức giảm lần lượt 0,5% và 0,1%.
Theo CNBC, Travelers và Chevron là 2 mã giảm mạnh nhất của Dow Jones khi giảm lượt 3,6% và 4,5%. Nhóm năng lượng dẫn đầu đà đi xuống của S&P 500 khi mất 5,4%, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 24/6. Nhóm công ty điều hành du thuyền và hàng không cũng đi xuống. Carnival "bốc hơi" 7,4%, American Airlines mất hơn 5% và Delta Airlines giảm 2%.
Tuy giảm sâu ở phiên 30/11 nhưng tính chung cả tháng, Dow Jones vẫn ghi nhận mức tăng 11,8%, mạnh nhất kể từ tháng 1/1987 trong bối cảnh liên tiếp xuất hiện tin tức khả quan về vaccine Covid-19.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đi lên lần lượt 10,8% và 11,8%, ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4 năm nay.
Nhóm cổ phiếu năng lượng thiệt hại nặng nhất trong năm 2020 cũng tăng 26,6% trong tháng 11. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu tài chính, công nghiệp và vật liệu đều đi lên ít nhất 12,2%.
Nếu chứng khoán Mỹ có tháng đi lên mạnh mẽ trong 33 năm thì ở chiều ngược lại. Chốt phiên, giá vàng thế giới tiếp tục đi xuống, về dưới 1.800 USD/ounce. Ghi nhận tại thời điểm hiện tại, mỗi ounce vàng giao ngay trên sàn Hong Kong có giá 1.776 USD, tương đương 49,9 triệu đồng/lượng chưa kể thuế, phí.
Với mức giảm này tổng cộng cả tháng, giá kim loại quý đã giảm 5,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016.
Theo đà thế giới, giá vàng SJC trong nước cũng giảm nhẹ. Niêm yết tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn sáng ngày 1/12, vàng miếng SJC giao dịch tại 53,1 - 53,7 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm hôm qua.
Cùng với đó, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji giao dịch vàng miếng ở mức 52,9 - 53,6 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 300.000 đồng ở cả hai chiều.