Theo đồ án qui hoạch 1/500 năm 2015, Khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son do Tổng Công ty Ba Son làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 25.29 ha, được chia thành ba nhóm.
Trong đó, nhóm công trình dịch vụ gồm hai lô TH1 (2.003 m2) và TH2 8.832 m2); nhóm nhà ở hỗn hợp, bao gồm các chức năng căn hộ chung cư, thương mại dịch vụ - và văn phòng dịch vụ (officetel) có 6 lô: HH1 (8.999 m2), HH2 (3.826 m2), HH3 (2.899m2), HH4 (13.308 m2), HH5 (7.343 m2), HH6 (15.492 m2); nhóm nhà ở thấp tầng gồm 5 lô: O1 (3.775 m2), O2 (3.775 m2), O3 (3.775 m2), O4 (3.775 m2) và O5 (1.885 m2).
Ngày 14/4/2016, UBND TP HCM công bố đã chấp thuận cho CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ TP HCM (Vincentra HCM) thực hiện đầu tư Khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son với tổng mức đầu tư gần 30.000 tỉ đồng.
Đến quí IV/2016, Vincentra HCM tiến hành tách 8 lô đất khỏi đại dự án này cho các pháp nhân mới sở hữu, bao gồm 7 khu đất có chức năng ở gồm HH1 (8.999,3 m2), HH2 (3.825,5 m2), HH3 (2.899 m2), HH4-1 và HH4-2 (6.167,2 m2), HH4-3 (7.141,3 m2), HH5-1 (3.558 m2) và khu đất có chức năng văn phòng VP2 (6.042 m2).
Chi tiết các pháp nhân mới:
HH1 được giao cho CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Phương Nam
HH2 được giao cho CTCP Đầu tư kinh doanh và Phát triển Âu Lạc
HH3 được giao cho CTCP Phát triển Thương mại và Đô thị Nam Thanh
HH4 được chia thành ba lô nhỏ: HH4-1 và HH4-2 được giao cho CTCP Đầu tư Phát triển và Kinh doanh Thương mại Phúc Thành; HH4-3 được giao cho CTCP Phát triển và Đầu tư kinh doanh Bình Minh.
HH5-1 được giao cho CTCP Thương mại và Đầu tư phát triển Hải Bình.
Khu vực này từng được kì vọng sẽ trở thành đại công trường với những toà nhà có giá đắt đỏ nhất Sài Gòn. Tuy nhiên, không rõ lí do vì sao, các dự án trong khu vực này đến nay hầu hết vẫn nằm yên bất động.
Còn các chủ sở hữu các lô đất trên cũng đã liên tục đổi chủ một cách im ắng. Đơn cử như lô HH5-1 về tay Alpha King và doanh nghiệp Hong Kong này triển khai dự án Centennial Sài Gòn. Thông tin gần đây cho thấy, hoạt động chuyển nhượng các dự án thành phần trong khu Ba Son vẫn âm thầm diễn ra.
Dòng tiền nghìn tỉ âm thầm đổ về Ba Son
Cụ thể, trong hai ngày 11 và 12/2, CTCP Đầu tư Bất động sản Supreme và CTCP Đầu tư Bất động sản Elegance đã tiến hành sáp nhập nhiều công ty là chủ đầu tư các khu đất HH1, HH2, HH3, HH4-1, HH4-2 và HH4-3 thuộc Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM).
Trước khi sáp nhập vào Supreme, Vikhareal từng được CTCP Thiết kế và Trang trí Nội thất Norah rót 4.000 tỉ đồng (có tính lãi) để hợp tác đầu tư dự án.
Hàng nghìn tỉ đồng trên do Norah phát hành hai lô trái phiếu cho CTCP Đầu tư Điền An Phát (500 tỉ đồng) và CTCP Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD, 3.000 tỉ đồng) vào cuối năm 2018.
Norah đã tất toán 500 tỉ đồng trái phiếu vào cuối tháng 10/2019 và tất toán 3.000 tỉ đồng trái phiếu còn lại vào đầu tháng 2/2020.
Trước đó ở nửa đầu năm 2017, Vikhareal đã mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Đô thị Nam Thanh, chủ sở hữu lô HH3, qua đó làm chủ đầu tư dự án này.
Trong đó, Supreme sáp nhập ba đơn vị gồm Công ty TNHH Đầu tư DPV Hà Nội (sở hữu lô HH1, 8.999,3 m2), doanh nghiệp có liên quan đến ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Tập đoàn KDI Holdings, Công ty TNHH Thành Công Investment (sở hữu lô HH2, 3.825,5 m2) và Công ty TNHH MTV Đầu tư Vikhareal (sở hữu lô HH3, 2.899 m2). Lúc này, vốn điều lệ của Supreme tăng từ 1.016 tỉ đồng lên 1.836 tỉ đồng.
Còn Elegance sáp nhập Công ty TNHH Đại Phát Invest (sở hữu hai lô HH4-1 và HH4-2 có tổng diện tích 6.167,2 m2) và Công ty TNHH Trường Việt Invest (sở hữu lô HH4-3, 7.141,3 m2). Đồng thời, vốn điều lệ của Elegance cũng tăng từ 855 tỉ đồng lên 1.635 tỉ đồng.
Như vậy, 6/8 khu đất tại Sài Gòn - Ba Son chính thức thuộc quyền sở hữu của hai doanh nghiệp bất động sản có cái tên rất xa lạ trên thị trường: Supreme và Elegance.
Dù chỉ mới thành lập hồi giữa năm 2019, cặp đôi này đã liên tục tăng vốn điều lệ lên trên chục nghìn tỉ đồng. Mới nhất vào hai ngày 20 và 21/8, cặp đôi Supreme và Elegance đã cùng lúc tăng vốn điều lệ. Trong đó, Supreme tăng vốn từ 1.836 tỉ đồng lên hơn 5.636 tỉ đồng, còn Elegance tăng vốn từ 1.635 tỉ đồng lên 4.935 tỉ đồng.
(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp)
Diễn biến mới nhất, vào ngày 10/7 vừa qua, Công ty TNHH Capitaland Tower, pháp nhân có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đơn vị sở hữu khu đất có chức năng văn phòng VP2 rộng 6.042 m2 (tên thương mại của dự án là The Sun Tower, trước đây có tên là Landmark 60 Bason) đã kí hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng khu đất này cho CTCP Dịch vụ - Thương mại TP HCM (Setra).
Tương tự như Supreme và Elegance, cái tên Setra cũng gây nhiều sự tò mò cho giới đầu tư. Bởi lẽ, thông tin về ông chủ kín tiếng và nguồn tiền đứng sau doanh nghiệp này vẫn là ẩn số.
Một chi tiết gây chú ý đó là không lâu sau kí đặt cọc nhận chuyển nhượng dự án, trong hai ngày 31/7 và 1/8, Setra đã phát hành 31 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.750 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo nhiều khả năng là hợp đồng đặt cọc nhận chuyển nhượng dự án nói trên.
Đối với khu đất HH5-1 còn lại, khu đất này trước đây do Công ty TNHH Hưng Phát Invest Hà Nội làm chủ đầu tư. Sau đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư Minh Huy Land sở hữu khu đất này thông qua việc nắm 100% (hơn 3.070 tỉ đồng) vốn của Hưng Phát Invest Hà Nội.
Theo tìm hiểu, Minh Huy Land từng hợp tác với CTCP Đầu tư Thảo Điền, nay là CTCP Tập đoàn Masterise (Masterise Group) tại dự án Thảo Điền Masteri, phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM.
Có thể thấy, các thương vụ sáp nhập, nhận chuyển nhượng vốn tại các pháp nhân trung gian nắm quyền sở hữu các khu đất tại Khu phức hợp Gài Gòn Ba Son trong thời gian gần đây phần nào cho thấy hoạt động M&A đang diễn ra ầm thầm trên thị trường địa ốc qua những thương vụ thu xếp vốn kín kẻ.
Điều trùng hợp là cả 8 khu đất thuộc Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son và cổ phần do các cổ đông sở hữu tại Supreme và Elegance đều được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
Còn hiện tại, The Sun Tower là dự án đầu tiên trong 8 khu đất trong khu vực Ba Son được tái khởi động sau khi dòng tiền mới đổ về. Dự án này hiện đã cơ bản xây xong phần khối đế. Với những gì đang diễn ra, có vẽ như các ông chủ lớn đứng sau các thương vụ đã sẵn sàng đưa Ba Son nhập cuộc trở lại.
Link bài gốc