Một doanh nhân tại Đồng Nai tố cáo khi vay 350 tỷ của Tân Hiệp Phát, bị ép ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty của mình. Sau đó Tân Hiệp Phát chiếm đoạt luôn công ty này, mà thực chất là chiếm đoạt dự án bất động sản do công ty này sở hữu có giá trị nhiều ngàn tỷ.
Một người khác là doanh nhân Nguyễn Văn Chung (SN 1986, ngụ KP3, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM), cũng có đơn tố bà Phương cho vay 35 tỷ, bắt ký hai hợp đồng giả cách, rồi chiếm đoạt hai khu đất trị giá gần 200 tỷ.
Những tố cáo trên được nhiều ý kiến đánh giá là có cơ sở. Theo hồ sơ chưa đầy đủ những người tố cáo tự thu thập, chỉ riêng trong một thời gian ngắn vài tháng, bà Phương đã “ký hợp đồng nhận chuyển nhượng đất” với nhiều người ở TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… với nội dung bất thường, 1600m2 giá 130 triệu, 4000m2 giá 900 triệu. Thậm chí có “thương vụ” như hồi tháng 3/2019 bà Phương “mua” 360m2 đất ở chỉ với giá 30 triệu (83 ngàn đồng/m2 đất ở tại TP Bà Rịa)…
Trước các tố cáo trên, Bộ Công an đã vào cuộc xác minh điều tra, theo Văn bản số 4335 ngày 9/11/2020 do Phó Thủ trưởng Thường trực CQĐT Bộ Công an, Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành ký.
Bà Phương được hưởng quyền ngoại giao “bất khả xâm phạm”?
Hai câu hỏi đặt ra với các nạn nhân: Là doanh nghiệp doanh nhân, kinh nghiệm làm ăn ký kết không ít, vì sao lại “sập bẫy” như vậy? Sự việc xảy ra đã một thời gian, vì sao đến giờ mới dám tố cáo?
Các nạn nhân cho rằng “sập bẫy” vay mượn giả cách, vì tin tưởng bà Phương là người thừa kế tập đoàn “tỷ đô”, “có uy tín tầm quốc tế” khi là “lãnh sự danh dự của Cộng hòa Sudan tại TP HCM”, “không thiếu tiền và quyền nên không có lý do gì để lừa đảo chiếm đoạt”.
Trả lời câu thứ hai, các nạn nhân cho hay rất lo lắng vì bà Phương còn là “viên chức ngoại giao có quyền bất khả xâm phạm”, “không chỉ cá nhân e ngại mà cơ quan tố tụng cũng không làm gì được”.
Ông Chung nói: “Chúng tôi được biết nhiều năm nay bà Phương luôn được giới thiệu trên báo đài là “lãnh sự danh dự của CH Sudan tại TP HCM”. Vì thế chúng tôi tưởng rằng bà ấy “có quyền miễn trừ ngoại giao”, “không thể bị bắt”, “bất khả xâm phạm” và chúng tôi rất lo lắng.
Hơn nữa, tôi từng gửi đơn tố cáo bà Phương đến công an cấp quận và cấp tỉnh, nhưng đều không được thụ lý, khiến chúng tôi càng cho rằng cơ quan chức năng địa phương cũng e ngại trước “thế lực” bà Phương”.
PLVN đã tiếp tục vào cuộc để xác minh thực hư những phản ánh trên.
Theo bài viết trên trang web fsc.gov.vn của Trung tâm dịch vụ đối ngoại (đơn vị trực thuộc Sở Ngoại vụ TP HCM) hồi năm 2011, ngày 25/8/2011, đã diễn ra Lễ ra mắt Lãnh sự danh dự Sudan tại TP HCM. “Cô Trần Uyên Phương được Đại sứ CH Sudan tại Việt Nam bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự của Sudan tại TPHCM…”.
Bài viết cho hay vị Đại sứ “không những ấn tượng bởi học vấn và kinh nghiệm dày đặc của cô Phương mà còn bị thuyết phục bởi nhiệt huyết và mong muốn phát triển mối quan hệ”, tin tưởng rằng bà Phương “đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như trao đổi văn hóa” hai bên.
Ghi nhận tại số 194, đường Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM, tại ngôi nhà 3 tầng lầu này hiện đang cắm cờ Việt Nam và Sudan, trưng tấm biển lớn “Lãnh sự quán Nước Cộng hòa Sudan – TP. Ho Chi Minh – Consulate of the Republic of Sudan – Ho Chi Minh City”. Trên nóc nhà có các chảo và cột thu phát sóng vô tuyến.
Tại ngôi nhà trưng biển “Lãnh sự quán” này, đồng thời cũng trưng biển 19 công ty khác như công ty CP Đầu tư bất động sản HBT, HTK, công ty CP Tân Quý Thanh, Hồng Thiên Mã…
Tại lầu 5 trụ sở Tân Hiệp Phát (số 219, Đại lộ Bình Dương, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, Bình Dương) cũng trưng biển “Nhà riêng lãnh sự danh dự Nước Cộng hòa Xu-Đăng – VB số 02/2011/CNLS” của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam).
Trên website Tân Hiệp Phát (https://www.thp.com.vn/tran-uyen-phuong/), vẫn giới thiệu bà Phương “là Lãnh sự danh dự của nước Cộng hòa Sudan tại TP HCM”.
Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM cho biết, nếu thực sự nhà số 194 Nơ Trang Long và trụ sở Tân Hiệp Phát là “lãnh sự quán”, “nhà riêng lãnh sự”, thì theo Điều 21 “Pháp lệnh về Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993”: Trụ sở của cơ quan lãnh sự là bất khả xâm phạm; cơ quan chức trách Việt Nam chỉ được vào trụ sở của cơ quan lãnh sự khi có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan đó…
Theo khoản 2 Điều 27 “viên chức lãnh sự được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể”. Theo Điều 28 “viên chức lãnh sự và nhân viên lãnh sự khi thực hiện chức năng của mình được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự”.
LS này nhận định: “Nếu vậy, việc điều tra với bà Phương sẽ không đơn giản, vì còn phải tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế”.
Giải thích của chuyên gia pháp lý khiến những người tố cáo “Lãnh sự danh dự của nước Cộng hòa Sudan tại TP HCM” thót tim.
Mạo danh “lãnh sự” hơn năm nay để làm gì?
PLVN đã liên hệ Sở Ngoại vụ TP HCM tìm hiểu sự việc. Tại đây, PLVN được cung cấp “Danh sách địa chỉ và điện thoại các cơ quan Lãnh sự tại TP HCM”. Trong văn bản phát hành ngày 10/9/2020 này, tại TP HCM có 27 Tổng Lãnh sự quán, 32 cơ quan Lãnh sự có Tổng Lãnh sự danh dự hoặc Lãnh sự danh dự đứng đầu. Điều bất ngờ là danh sách này hoàn toàn không có tên Lãnh sự quán của Cộng hòa Sudan, không có tên bà Trần Uyên Phương.
Vậy phải chăng bà Phương và tập đoàn Tân Hiệp Phát đang mạo danh khi trưng biển “Lãnh sự quán”, “Nhà riêng lãnh sự” tại 194 Nơ Trang Long và trụ sở Tân Hiệp Phát? Đi đến tận cùng vấn đề, PLVN đã chuyển những câu hỏi này đến Bộ Ngoại giao.
Sự thật bất ngờ về bà Phương sau đó đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời PLVN như sau:
“Bà Trần Uyên Phương được Sudan bổ nhiệm và Bộ Ngoại giao Việt Nam chấp thuận làm lãnh sự danh dự Sudan tại TP HCM từ tháng 8/2011. Đến năm 2018, Đại sứ quán Sudan thông báo gia hạn cho bà làm lãnh sự danh dự đến 31/7/2019, từ đó đến nay chưa có thông báo mới”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: “Bà Trần Uyên Phương không còn là lãnh sự danh dự của Sudan tại TP HCM do đã hết thời hạn bổ nhiệm từ ngày 31/7/2019”.
Một cán bộ thuộc Vụ Trung Đông – châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao cho biết thêm, hiện Sudan không còn đặt Đại sứ quán tại Việt Nam. Các công việc liên quan Việt Nam do Đại sứ quán Sudan tại Trung Quốc kiêm nhiệm.
Sự việc như vậy đã rõ. Bà Trần Uyên Phương và tập đoàn Tân Hiệp Phát hiện đang có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế khi không tháo dỡ biển hiệu “Lãnh sự quán Sudan” tại số 194 Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM) và “nhà riêng lãnh sự” tại lầu 5 trụ sở Tân Hiệp Phát (số 219, Đại lộ Bình Dương, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, Bình Dương).
Sự thật này khiến những người tố cáo bức xúc: “Như vậy bấy lâu nay bà Trần Uyên Phương đã mạo danh “lãnh sự danh sự của CH Sudan tại TP HCM”. Bà Phương và Tân Hiệp Phát mạo danh như vậy làm gì? Các nạn nhân cho biết đã có đơn gửi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, kiến nghị chỉ đạo Bộ Ngoại giao xem xét xử lý sự việc.
“Do e ngại Trần Uyên Phương có thể tiếp tục lợi dụng danh nghĩa là lãnh sự danh dự của Cộng hòa Sudan để làm bình phong che chắn cho những hành vi phạm pháp luật nên tôi có đơn kiến nghị Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo Bộ Ngoại giao lưu ý đặc biệt với trường hợp Trần Uyên Phương”.
“Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng công bố rõ ràng thông tin về việc Trần Uyên Phương không còn là lãnh sự danh dự của Cộng hòa Sudan. Và đề nghị Bộ Ngoại giao, UBND TP HCM, UBND tỉnh Bình Dương, Sở Ngoại vụ TP HCM, Sở Ngoại vụ Bình Dương buộc tháo dỡ biển hiệu “lãnh sự quán”, “nhà riêng lãnh sự”; yêu cầu Trần Uyên Phương chấm dứt việc mạo danh”, ông Chung nói.
Trong các số báo sau, PLVN sẽ cung cấp thông tin về hàng loạt các vụ nhận chuyển nhượng đất bất thường của bà Trần Uyên Phương.