Cụ thể, ở trụ cột công khai ngân sách, Việt Nam đạt 38/100 điểm, tăng 23 điểm so với năm 2017; tại lĩnh vực giám sát thì Việt Nam đạt 74/100 điểm (tăng 2 điểm so với năm 2017) và đạt 11/100 điểm đối với trụ cột sự tham gia của công chúng, tăng 4 điểm so với 2017.
Với những điểm số như trên, Việt Nam được đánh giá đã có nhiều nỗ lực và bước tiến đáng ghi nhận về mức độ công khai minh bạch ngân sách khi áp dụng tốt quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 đồng thời công khai số liệu về dự toán ngân sách Nhà nước, giúp mọi người dễ nắm bắt thông tin, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát ngân sách.
Đáng chú ý, Việt Nam đã công khai 7 trong 8 tài liệu ngân sách chủ chốt gồm Định hướng xây dựng ngân sách; Dự thảo dự toán ngân sách; Dự toán ngân sách được Quốc hội quyết định; Báo cáo ngân sách công dân; Báo cáo ngân sách quý; Báo cáo ngân sách cuối năm; Báo cáo kiểm toán.
Duy chỉ có tài liệu ngân sách của Việt Nam (báo cáo 6 tháng) chưa được Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) công nhận là Báo cáo giữa kỳ theo thông lệ quốc tế vì chưa đủ thông tin đánh giá cả năm.
Và cũng bởi Quốc hội có kỳ họp cuối năm vào tháng 10 nên thời điểm Bộ Tài chính thực hiện đánh giá ngân sách nhà nước cả năm để báo cáo Chính phủ, Quốc hội muộn hơn 20 ngày so với chuẩn quốc tế (công bố trước 30/9).
Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác công khai ngân sách nhà nước, tạo điều kiện tối đa cho người dân được tiếp cận và khai thác thông tin, đồng thời hướng dẫn và giám sát địa phương, bộ/ngành thực hiện nghiêm túc việc công khai theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Khảo sát về minh bạch ngân sách (OBS) là sáng kiến nhằm thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách, do Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) tiến hành định kỳ 2 năm/lần, kể từ năm 2006 và thực hiện tại trên 100 quốc gia trên thế giới; từ đó cho điểm để đánh giá mức độ công khai minh bạch ngân sách của các nước, các nền kinh tế khác nhau về ba trụ cột của trách nhiệm giải trình ngân sách.