Tại đại hội, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group, chia sẻ về động lực phát triển của tập đoàn: "Nhu cầu tiêu dùng không bao giờ dừng, chỉ đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn, chất lượng hơn, giá trị hơn. Đó là nguồn cảm hứng vô tận cho các doanh nghiệp hàng tiêu dùng". Ông nhấn mạnh, năng lực xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu là yếu tố tồn tại mãi mãi và là điều người tiêu dùng lựa chọn, các công ty đầu tư xây dựng.
Sau 30 năm kiên trì nỗ lực, Masan đã xây dựng được nhiều thương hiệu và nhãn hiệu thành công. Ông Quang tự hào cho biết, năm 2024 có khoảng 98% người tiêu dùng Việt Nam chọn sản phẩm của Masan, năm nay có thể là 99%. Đặc biệt, nhãn hiệu tương ớt Chin-su được người tiêu dùng trẻ "nằm lòng", cho thấy sức mạnh không chỉ là "powerful brand" (thương hiệu mạnh) mà từng bước trở thành "love brand" (thương hiệu được yêu thích) – sự lựa chọn số 1. Đây là yếu tố quan trọng dẫn dắt hành trình "Go Global" của tập đoàn.
Chủ tịch Masan Group cho rằng hành trình chuyển đổi của tập đoàn có lúc khiến người ngoài khó hiểu, nhưng mọi thay đổi đều hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn của người tiêu dùng. Masan đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên trong hành trình 5 năm xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ tích hợp và sẽ tập trung củng cố thị phần chi tiêu, mang về lợi nhuận trong giai đoạn 2.
Theo ông Quang, chuyển đổi số là "mảnh ghép còn thiếu" để Masan vươn mình từ hình ảnh tập đoàn truyền thống, đa ngành trở thành nền tảng trải nghiệm tiêu dùng tích hợp, tương tự như các tập đoàn bán lẻ và công nghệ hàng đầu thế giới như Walmart, Amazon, Alibaba, Reliance hay Apple. Ông cảnh báo các mô hình truyền thống sẽ dần biến mất và chuyển đổi số sẽ định hình lại toàn bộ ngành (sản xuất, chuỗi cung ứng, thương hiệu, đổi mới, trải nghiệm khách hàng, bán lẻ hiện đại). Việc tích hợp phần mềm, dữ liệu, AI, tự động hóa vào DNA của Masan là điều bắt buộc.
"Hãy tưởng tượng một thế giới nơi người tiêu dùng nhận được những ưu đãi cá nhân hóa mỗi khi họ bước vào khu vực gần cửa hàng nhờ công nghệ định vị địa lý (geo-fencing), hoặc trải nghiệm một hành trình cùng những thương hiệu yêu thích của họ", ông Quang chia sẻ.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group, nhấn mạnh tập đoàn đã thực hiện đúng cam kết về kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024, quay trở lại con đường tăng trưởng có lợi nhuận. Về chuyển đổi số, Masan sẽ xây dựng giao diện số như "người anh em sinh đôi" của hoạt động offline, vận hành đa kênh và tích hợp AI, Machine Learning, dự kiến đi vào vận hành cuối năm nay.
Kế hoạch kinh doanh và tài chính 2025
Masan Group đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất năm 2025 từ 80.500 tỷ đồng đến 85.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế (LNST) dự kiến đạt từ 4.875 tỷ đồng đến 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng từ 14% đến 52% so với năm trước. Tập đoàn không chia cổ tức năm 2024 và dự kiến phát hành ESOP tối đa 0,5% số cổ phần lưu hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, Masan trình cổ đông thông qua việc hủy bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (hiện là 49%), xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP, hướng tới tỷ lệ không hạn chế đối với các ngành nghề không thuộc diện hạn chế.
Đối với các công ty thành viên:
Masan Consumer (MCH): Kế hoạch doanh thu 2025 từ 33.500 tỷ đồng đến 35.500 tỷ đồng, tăng trưởng 10-15%. LNST từ 7.300 tỷ đồng đến 7.800 tỷ đồng. MCH đặt ra ba chiến lược chính: cao cấp hóa (đặc biệt gia vị, thực phẩm tiện lợi), đổi mới danh mục (đồ uống, chăm sóc cá nhân/gia đình), và Go Global (mục tiêu doanh thu quốc tế tăng ít nhất 20%, tập trung Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU). Trong Q1/2024, mảng FMCG của MCH ghi nhận doanh thu ước đạt 7.500 tỷ đồng (+14%), EBIT hơn 1.700 tỷ đồng (+14%). Doanh thu thị trường quốc tế tăng mạnh 73,2%. MCH đã trả cổ tức 95% cho năm 2024 và đề xuất trả 60% bằng tiền mặt cho năm 2025 (6.000 đồng/cp).
WinCommerce (WCM): Doanh thu 2025 dự kiến từ 35.600 tỷ đồng đến 36.900 tỷ đồng, tăng trưởng 8-12%. Đặt mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế dương cả năm. Bà Nguyễn Thị Phương, CEO WinCommerce, chia sẻ WCM đã có lãi và lần đầu tiên vượt mốc 30.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2024 (đạt 33.000 tỷ đồng), cải thiện kết quả tài chính 4.000 tỷ đồng mỗi năm so với 2019. WCM đạt dòng tiền dương 1.500 tỷ đồng năm 2024. Thành công này đến từ mô hình mini-mart tối ưu (biên EBITDA cửa hàng trung bình ~7%, điểm hòa vốn doanh thu thấp nhất khu vực), chiến lược "giá thấp mỗi ngày", và quản trị chi phí hiệu quả (ví dụ giảm 1cm giấy in hóa đơn tiết kiệm 10 tỷ đồng/năm). Mô hình mini-mart đã chuyển từ lỗ 15% EBITDA năm 2019 sang lãi 4,4% hiện tại. Năm 2025, WCM đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới lên 4.500+ điểm bán (mở trung bình 2 cửa hàng mới/ngày), trong đó 1.900 cửa hàng ở khu vực nông thôn. Đến năm 2029, WCM đặt mục tiêu 10.000 cửa hàng, doanh thu 60.000 tỷ đồng.
Masan MeatLife (MML): Kế hoạch doanh thu 2025 từ 8.250 tỷ đồng đến 8.750 tỷ đồng, tăng trưởng 8-14%. LNST từ 25 tỷ đồng đến 205 tỷ đồng. Công ty không chia cổ tức và có kế hoạch ESOP.
Phúc Long Heritage: Mục tiêu tăng trưởng doanh thu 2025 từ 1.910 tỷ đồng đến 2.200 tỷ đồng, tăng 18-36%.
Đẩy mạnh thương hiệu và trải nghiệm khách hàng
Ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc Masan Consumer, nhấn mạnh chiến lược kết hợp sản phẩm đột phá (đóng góp 90 triệu USD doanh thu 2024 từ sản phẩm mới, tăng 62%), thương hiệu mạnh, chiến thắng tại điểm bán, tinh thần “Fewer – Faster – Bigger” và mô hình tài chính vượt trội (biên lợi nhuận gộp >42%, biên lợi nhuận vận hành >25%).
Tại đại hội, Masan Consumer cũng công bố chiến dịch quảng cáo mới của Wake-up 247 với sự tham gia của CLB Manchester City làm đại sứ thương hiệu. Các sản phẩm cà phê Wake-up 247 in hình các ngôi sao Man City như Erling Haaland, Jack Grealish và Phil Foden đã ra mắt thị trường Việt Nam ngay trong ngày 25/5. Sự hợp tác này là một phần trong nỗ lực "Go Global" của Masan và chiến lược mở rộng thương hiệu của Manchester City tại Đông Nam Á.
Masan Group đặt kế hoạch tham vọng xây dựng 10.000 điểm Point Of Life (chuỗi bán lẻ và kênh truyền thống hiện đại hóa) phục vụ hơn 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam, đồng thời vươn ra toàn cầu phục vụ 8 tỷ người tiêu dùng. Tập đoàn cam kết giảm 10% chi phí tiêu dùng hàng ngày cho người dân và cắt giảm ít nhất 50% các chương trình khuyến mãi đại trà kém hiệu quả.
Đại hội cũng gây chú ý khi Ban tổ chức đặt một "chiếc hộp bí ẩn", hứa hẹn về một sản phẩm "bom tấn" mới sẽ được giới thiệu, theo truyền thống tại các kỳ đại hội cổ đông của Masan.