Ngày pháp luật

ĐHĐCĐ Gilimex (GIL) đặt mục tiêu lãi trước thuế 150 tỷ đồng năm 2025, thông qua cổ tức 10% cho năm 2024

Đỗ Quyên

Sáng 15/4, ĐHĐCĐ thường niên 2025 của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã CK: GIL) đã thông qua kế hoạch kinh doanh tham vọng cho năm 2025 với lợi nhuận gấp 2,8 lần thực hiện 2024, cùng phương án chia cổ tức tiền mặt 10% cho năm tài chính vừa qua.

Năm 2024 kinh doanh sụt giảm, vẫn chia cổ tức 10%

Kết thúc năm 2024, Gilimex ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan với doanh thu thuần đạt gần 711 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2023. Lợi nhuận ròng cũng giảm 8%, chỉ còn hơn 26 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, công ty chỉ thực hiện được 47% mục tiêu doanh thu và vỏn vẹn 26% chỉ tiêu lợi nhuận. Ban lãnh đạo GIL cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do nhu cầu từ các khách hàng chính yếu giảm mạnh cùng với áp lực phải giảm giá bán.

Mặc dù không hoàn thành kế hoạch năm, ĐHĐCĐ Gilimex vẫn thống nhất thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu). Với gần 102 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến GIL sẽ chi ra gần 102 tỷ đồng cho đợt cổ tức này, giữ đúng cam kết đã đưa ra tại ĐHĐCĐ năm 2023.

Tham vọng lợi nhuận 150 tỷ năm 2025 nhờ khách hàng chiến lược mới

Bước sang năm 2025, Gilimex đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu kế hoạch là 1.200 tỷ đồng, tăng 69% so với thực hiện năm 2024. Đáng chú ý, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất được đặt ở mức 150 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần kết quả đạt được trong năm trước. Tỷ lệ cổ tức dự kiến cho năm 2025 tiếp tục duy trì ở mức 10%.

Cơ sở cho kế hoạch tham vọng này, theo bà Phạm Thị Ánh Nguyệt – Giám đốc GIL, đến từ việc công ty đã ký kết hợp tác thành công với một khách hàng chiến lược mới từ cuối năm 2024. Đây được mô tả là một đối tác tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất thú nhồi bông cho trẻ em, thuộc phân khúc cao cấp, hứa hẹn mang lại giá trị đơn hàng và doanh thu lớn.

Bà Nguyệt tiết lộ, công suất hiện tại của Gilimex mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực tế từ khách hàng này. Đối tác đã đề nghị công ty nâng công suất cung ứng lên gấp 3 lần hiện nay trong vòng 3-5 năm tới. Để hiện thực hóa điều này, Gilimex có kế hoạch mở rộng quy mô lao động từ khoảng 3.000 công nhân hiện tại lên 10.000 người. "Riêng năm 2025, phần công suất hiện hữu cung ứng cho khách hàng này sẽ tăng gấp đôi so với năm 2024. Với đơn hàng ổn định, nhu cầu tăng mạnh và lộ trình mở rộng rõ ràng, mục tiêu lợi nhuận 150 tỷ đồng hoàn toàn trong tầm tay", bà Nguyệt tự tin.

Ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan Mỹ, dự kiến thu hồi tiền từ vụ kiện Amazon trong Q3

Trước những lo ngại về tác động của việc Mỹ có thể áp thuế quan lên hàng hóa Việt Nam, bà Nguyệt cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của Gilimex sẽ không bị ảnh hưởng lớn. Lý do là thị phần xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ hiện chỉ chiếm dưới 10% tổng doanh thu. Thị trường chủ lực của công ty là châu Âu, nơi tập trung nhóm khách hàng cao cấp, có giá trị đơn hàng lớn và ít nhạy cảm hơn với các biến động thuế quan.

"Nhu cầu thị trường đang có xu hướng tăng mạnh. Khách hàng hiện hữu liên tục đề nghị tăng công suất cung ứng," bà Nguyệt nhấn mạnh và khẳng định công ty tự tin hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu 2025 đã đề ra.

Liên quan đến vụ kiện tranh chấp với Amazon, ban lãnh đạo Gilimex cho biết dự kiến trong quý 3/2025, công ty sẽ có thể thu hồi được phần tổn thất từ vụ việc này.

Lên kế hoạch vay 3.000 tỷ, đầu tư 520 tỷ mở rộng nhà máy

Để đáp ứng nhu cầu đơn hàng gia tăng từ đối tác chiến lược mới và các khách hàng khác, Gilimex dự kiến chi tối đa 520 tỷ đồng để đầu tư mở rộng nhà máy. Phương án thực hiện có thể là mua cổ phần hoặc mua tài sản hiện hữu tại một tổ chức khác, với tỷ lệ sở hữu từ 51% đến 100%.

Tổng ngân sách dự kiến cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong năm 2025 là 1.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch vay ngân hàng tối đa 3.000 tỷ đồng để tài trợ vốn lưu động và phát triển các dự án Khu công nghiệp (KCN) tại Bắc Giang, Vĩnh Long, Huế và các dự án khác đang triển khai.

Theo bà Nguyệt, đây là khoản vay được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai, đang được hưởng lãi suất ưu đãi và công ty có đủ khả năng trả nợ gốc và lãi vay đúng hạn.

Mảng KCN: Thuế quan là thách thức nhưng cũng là cơ hội

Chia sẻ thêm về mảng phát triển KCN, ông Hoàng Tiến Đạt – Tổng Giám đốc CTCP Khu Công nghiệp Gilimex, nhận định rằng dù không thể nói thuế quan Mỹ không gây ảnh hưởng, nhưng đến thời điểm hiện tại, công ty chưa ghi nhận tác động tiêu cực rõ ràng nào đến hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN của mình.

"Chúng tôi vẫn tiếp tục đón tiếp nhiều nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư Trung Quốc và một số nhà đầu tư đã hiện diện tại Việt Nam. Họ vẫn bày tỏ sự quan tâm, thậm chí đề nghị được tham quan và tìm hiểu thêm," ông Đạt cho biết. Đặc biệt, trong hai tuần gần đây, KCN Gilimex đã đón nhiều khách hàng tiềm năng là các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Ông Đạt đánh giá, nếu hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư không liên quan trực tiếp đến nhóm hàng hóa bị áp thuế, Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung, vẫn là điểm đến hấp dẫn. Ông cũng nhìn nhận 90 ngày đàm phán sắp tới giữa Việt Nam và Mỹ là giai đoạn quan trọng. Nếu Việt Nam có chính sách phù hợp và đàm phán hiệu quả, đây có thể là cơ hội để thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn FDI dịch chuyển.

"Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng để sẵn sàng đón tiếp nhà đầu tư khi họ ra quyết định," ông Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng và duy trì liên lạc chặt chẽ với các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn.

Tin Cùng Chuyên Mục