Ngày pháp luật

ĐHĐCĐ Chứng khoán Thiên Việt (TVS) đặt mục tiêu lãi 333 tỷ đồng trong năm 2025, tính đến biến động thị trường và KRX

Nhã Liên

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (HoSE: TVS) đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh đầy thách thức cho năm nay. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế được đặt ở mức 333 tỷ đồng, tăng 18% so với kết quả thực hiện năm 2024. Lãnh đạo TVS cho biết kế hoạch này đã tính toán đến các yếu tố ảnh hưởng từ thị trường và bối cảnh vĩ mô.

Theo kế hoạch được thông qua tại đại hội, lợi nhuận sau thuế mục tiêu 333 tỷ đồng của TVS trong năm 2025 được kỳ vọng đóng góp chủ yếu từ hoạt động đầu tư cổ phiếu với tỷ trọng 49%. Các mảng khác cũng đóng góp đáng kể như quản lý quỹ (28%), đầu tư thu nhập cố định (10%), môi giới chứng khoán (10%) và ngân hàng đầu tư (10%).

Lãnh đạo TVS cho biết, kế hoạch lợi nhuận 333 tỷ đồng là kịch bản cơ sở, đã được xây dựng dựa trên việc đánh giá các rủi ro tiềm ẩn. Các yếu tố được xem xét bao gồm biến động của thị trường chứng khoán, căng thẳng địa chính trị trên thế giới, ảnh hưởng từ việc hệ thống giao dịch mới KRX chính thức đi vào hoạt động, cũng như khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng.

Về khoản đầu tư vào MoMo, một vấn đề nhận được sự quan tâm của cổ đông, phía TVS giải thích rằng theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), khoản đầu tư vào các công ty chưa niêm yết như MoMo chưa được phản ánh sự thay đổi về giá trị trên báo cáo tài chính. Sự thay đổi này chỉ được ghi nhận khi công ty chuyển sang áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).

Trước thắc mắc của cổ đông về việc giá cổ phiếu TVS giảm trong thời gian qua, mặc dù công ty đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2024, lãnh đạo TVS lý giải rằng biến động giá cổ phiếu trên thị trường phụ thuộc vào yếu tố cung cầu và tình hình chung. Việc giá chứng khoán giảm trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động là hiện tượng chung, không chỉ ảnh hưởng riêng đến TVS.

Trên cơ sở kế hoạch kinh doanh và tình hình thực tế, Đại hội đồng cổ đông đã ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định việc tạm ứng cổ tức năm 2025 bằng tiền mặt và/hoặc cổ phiếu với tổng tỷ lệ không quá 10%.

Ngoài phương án cổ tức, TVS cũng được cổ đông thông qua kế hoạch chào bán 4,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong năm 2025. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng và được giải tỏa theo lộ trình: 25% sau 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, 35% sau ngày 31/12/2027 và số còn lại sau ngày 31/12/2028.

Đối với năm 2024, công ty có kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 12% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 12 cổ phiếu mới), tương đương quy mô hơn 240 tỷ đồng. Cả cổ phiếu ESOP năm 2025 và cổ tức năm 2024 đều dự kiến được TVS thực hiện trong năm 2025 hoặc thời điểm khác do HĐQT quyết định.

Mục tiêu quản lý tài sản (AUM) lên đến 40.000 tỷ đồng

Về mục tiêu dài hạn, TVS đặt mục tiêu tăng trưởng tài sản đang quản lý (AUM) lên mức 30.000 - 40.000 tỷ đồng trong vài năm tới. Công ty cho biết, khoảng 70-75% danh mục AUM sẽ tập trung vào các sản phẩm thu nhập cố định, phù hợp với nhu cầu của khách hàng hiện tại.

Riêng với nền tảng công nghệ eWealth, TVS định vị đối tượng phục vụ chính là nhóm khách hàng trung lưu (affluent) và cao cấp (High Net-Worth). Chiến lược là tận dụng kinh nghiệm phục vụ nhóm khách hàng cao cấp để mở rộng thị phần sang các nhóm khách hàng tiềm năng khác. TVS nhấn mạnh công nghệ đóng vai trò hỗ trợ, nâng cao hiệu quả tư vấn và cá nhân hóa, không thay thế hoàn toàn vai trò của chuyên viên tư vấn trong việc xây dựng chiến lược tài chính và duy trì mối quan hệ với khách hàng.

Kiên nhẫn với đầu tư PE vào doanh nghiệp nền kinh tế mới

Tại đại hội, cổ đông cũng quan tâm đến chiến lược thoái vốn các khoản đầu tư Private Equity (PE). Đại diện TVS cho biết chiến lược đầu tư PE được lựa chọn kỹ lưỡng, tập trung vào các doanh nghiệp trong nền kinh tế mới (New Economy) ở các vòng gọi vốn sớm như Pre hoặc Serie A. Cách tiếp cận này giúp TVS đồng hành chặt chẽ và có tỷ lệ hiệu quả hơn với các doanh nghiệp tư nhân. TVS không chịu áp lực về thời gian thoái vốn, có thể linh hoạt lựa chọn thời điểm phù hợp để tối đa hóa lợi ích.

Đối với khoản đầu tư vào MoMo, TVS khẳng định đây là khoản đầu tư mang tính chiến lược và định hướng đồng hành dài hạn. Việc thoái vốn (nếu có) sẽ được cân nhắc dựa trên điều kiện thị trường.

TVS cũng chia sẻ nhận định rằng, việc áp dụng mô hình đầu tư PE từ các thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu vào Việt Nam còn nhiều khó khăn do khác biệt về cạnh tranh vốn, áp lực thoái vốn, chất lượng nhân sự và khung pháp lý chưa hoàn thiện. Tại Việt Nam, đầu tư PE đòi hỏi sự kiên nhẫn và đồng hành dài hạn, chu kỳ đầu tư sẽ kéo dài hơn. Tuy vậy, trong trung và dài hạn, thị trường Việt Nam vẫn được đánh giá có tiềm năng lớn cho hoạt động PE, thậm chí hấp dẫn hơn một số quốc gia trong khu vực.

Tin Cùng Chuyên Mục